Phi công William Royster và hoa tiêu Keith Douglas thuộc Phi đoàn cường kích số 115 Mỹ hôm đó tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) diễn ra ngoài khơi quần đảo Hawaii. Đây là cuộc diễn tập hàng hải lớn nhất thế giới, với sự tham gia của 44 tàu chiến, 250 máy bay và 30.000 quân nhân của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Canada và Chile.
Trung tá Royster được giao nhiệm vụ điều khiển cường kích A-6E Intruder, xuất phát từ tàu sân bay USS Independence, kéo theo mục tiêu bay để lực lượng tàu mặt nước tập bắn đạn thật.
Đây không phải nhiệm vụ thường gặp của những chiếc A-6E, nhưng đóng vai trò quan trọng nhằm kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu và độ chính xác của các hệ thống phòng thủ hải quân, trong trường hợp này là hai bệ pháo phòng thủ tầm cực gần Phalanx trên tàu khu trục JDS Yuugiri của Nhật Bản.
Chiếc A-6E của Royster khi đó kéo theo mục tiêu có kích cỡ 2 m ở vùng biển cách quần đảo Hawaii khoảng 2.400 km về phía tây. Phi cơ hoạt động ở độ cao 215 m so với mực nước biển và duy trì tốc độ 630 km/h. Các quan chức Mỹ cho biết mục tiêu được kéo ở khoảng cách 4 km so với máy bay, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Toshinori Yanagiya khẳng định dây kéo chỉ dài 100 m.
Hạm đội Thái Bình Dương hải quân Mỹ cho biết thời tiết đẹp, trời trong và không có mây mù vào thời điểm diễn tập.
Nội dung diễn tập nhằm kiểm tra tốc độ phản ứng của JDS Yuugiri với mối đe dọa đường không. Thủy thủ đoàn phải nhận diện máy bay đang tiếp cận từ mạn trái, sau đó định vị và bắn hạ mục tiêu bằng đạn thật. Tuy nhiên, họ lại khóa radar vào cường kích Mỹ thay vì mục tiêu được nó kéo phía sau.
Sau khi bám bắt mục tiêu, thủy thủ đoàn JDS Yuugiri khai hỏa bệ pháo Phalanx với tốc độ bắn 3.000 phát/phút. Chiếc A-6E trúng nhiều phát đạn vào giữa thân, động cơ bốc cháy và hệ thống thủy lực ngừng hoạt động, khiến máy bay lộn nhào mất kiểm soát. Royster và Douglas kịp phóng ghế thoát hiểm, trong khi xác máy bay lao xuống vùng nước phía mạn phải chiến hạm Nhật.
Nhận ra sai lầm này, thủy thủ đoàn tàu Yuugiri triển khai xuồng và vớt hai phi công hải quân Mỹ chỉ sau vài phút, họ được đưa về tàu sân bay USS Independence bằng trực thăng. Trung tá Royster phải phẫu thuật do rách mặt, trong khi trung úy Douglas chỉ bị trầy xước và trở lại thực hiện nhiệm vụ không lâu sau đó.
Nhật Bản ra lệnh tạm ngừng sử dụng đạn thật trong diễn tập, còn giới chức Mỹ tìm cách giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của sự cố để tránh gây căng thẳng với đồng minh thân cận. "Đó là sự cố không may, chúng vẫn thường xảy ra. Đây không phải điều đáng để giận dữ", phát ngôn viên hải quân Mỹ nói.
Tổng thống Mỹ khi đó là Bill Clinton cũng chấp nhận lời xin lỗi của Nhật Bản vào ngày 5/6.
Quân đội hai nước cùng mở cuộc điều tra nguyên nhân sự cố. Nhận định ban đầu của hải quân hai nước là hệ thống pháo Phalanx gặp trục trặc kỹ thuật và tự động khai hỏa khi phát hiện mục tiêu bay vào tầm bắn.
Tuy nhiên, các quan chức quốc phòng Nhật sau đó bác bỏ giả thuyết này, cho hay hệ thống Phalanx không được cài đặt ở chế độ tự động khi sự cố xảy ra. Họ nhận định đây là lỗi của thủy thủ trên tàu chiến Nhật, khi người vận hành tổ hợp Phalanx đã xác định nhầm mục tiêu, hoặc đã bấm nhầm nút khai hỏa.
Tổ hợp Phalanx sau đó được trang bị hệ thống cảm biến quang - điện tử và hồng ngoại đồng trục với nòng pháo, tăng khả năng bám bắt mục tiêu và nhận diện địch - ta cho các kíp tàu.
Sự cố không để lại hậu quả nghiêm trọng, nhưng càng khiến Nhật Bản xấu hổ khi xảy ra chỉ vài tháng sau vụ một tiêm kích F-15J phóng tên lửa bắn rơi chiến đấu cơ đồng đội trong diễn tập.
Vũ Anh (Theo Drive)