Sân bay Heathrow ở London hôm 21/3 phải đóng cửa kể từ rạng sáng, sau khi trạm biến áp ở khu vực North Hyde gần đó bị cháy đêm 20/3. Lệnh đóng cửa ở sân bay bận rộn hàng đầu thế giới đã khiến hơn 1.300 chuyến bay bị đình chỉ, hàng nghìn hành khách mắc kẹt. Hành khách của khoảng 120 chuyến bay trên hành trình tới Heathrow đã phải chuyển hướng và hạ cánh ở nhiều thành phố, thậm chí cả các quốc gia khác.
Dù sân bay Heathrow đã nối lại hoạt động vào tối 21/3, các chính trị gia đã lên tiếng chỉ trích, trong khi nhiều hãng hàng không cảnh báo một sự cố tương tự có thể gây ra tình trạng gián đoạn nghiêm trọng suốt nhiều ngày.
"Đây là nỗi xấu hổ lớn đối với sân bay Heathrow, cũng như là nỗi hổ thẹn với đất nước, khi chỉ một đám cháy trạm biến áp có thể gây tác động nghiêm trọng như vậy", Toby Harris, nghị sĩ thuộc Công đảng, nói.

Khói bốc lên từ trạm biến áp North Hyde, gần sân bay Heathrow, London, Anh ngày 21/3. Ảnh: AP
Heathrow, với diện tích 12,14 km2, là một trong những sân bay bận rộn nhất thế giới, đón gần 84 triệu hành khách trong năm ngoái. Sự cố ngày 21/3 là một trong những gián đoạn nghiêm trọng nhất kể từ vụ phun trào núi lửa Eyjafjallajokull ở Iceland năm 2010, khiến không phận châu Âu phải đóng cửa nhiều ngày.
Willie Walsh, người đứng đầu Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), cho rằng sự cố đặt ra những câu hỏi nghiêm trọng cần giải quyết. "Làm thế nào một cơ sở hạ tầng có tầm quan trọng quốc gia và toàn cầu lại hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn năng lượng duy nhất mà không có giải pháp thay thế?", Walsh nói, thêm rằng đây là thất bại rõ ràng trong kế hoạch dự phòng của sân bay.
Có hai trạm biến áp của Điện lưới Quốc gia Anh gần Heathrow, gồm một ở North Hyde phía bắc sân bay và một ở Laleham phía nam. Công ty phân tích năng lượng Montel Group cho rằng có vẻ chỉ trạm biến áp North Hyde được kết nối với Heathrow thông qua mạng lưới truyền tải địa phương.
Heathrow không có máy phát điện dự phòng có thể cung cấp 40 megawatt điện cần thiết để duy trì hoạt động bình thường.
Giám đốc điều hành Thomas Woldbye giải thích sân bay có nguồn điện dự phòng cho trường hợp khẩn cấp và hệ thống đã hoạt động đúng như mong đợi. Tuy nhiên, nguồn dự phòng này không đủ để vận hành toàn bộ sân bay, nơi sử dụng năng lượng tương đương một thành phố nhỏ.
Nguồn điện dự phòng chỉ đủ để đảm bảo vận hành các hệ thống quan trọng nhất gồm đèn đường băng và hệ thống an toàn của tháp kiểm soát không lưu. Nếu một chiếc máy bay bắt buộc cần hạ cánh lúc đó, nó vẫn có thể hạ cánh an toàn.
Trong khi đó, sân bay không có cách nào để cung cấp điện cho phần còn lại của cơ sở rộng lớn và phức tạp: các nhà ga rộng lớn với nhiều cửa hàng và nhà hàng, lối đi di động và thang cuốn. Cũng không có điện để di chuyển hành lý đến khu vực nhận, hoặc để vận hành quầy bán vé và nhà vệ sinh.
Woldbye cho biết "đó là cách hoạt động của hầu hết các sân bay" và khẳng định các sân bay khác cũng gặp tình trạng tương tự nếu xảy ra sự cố giống vậy.
Vào ngày 21/3, các kỹ sư tại sân bay đã mất nhiều giờ để cấu hình lại các công tắc tại một trạm biến áp khác nhằm tạm thời định tuyến lại nguồn điện đến Heathrow. Hệ thống của sân bay đã không có điện trong nhiều giờ nên cũng mất nhiều thời gian để khởi động lại. Các nhân viên sân bay sau đó phải chạy thử nghiệm trước khi tuyên bố nối lại hoạt động của sân bay.

Một máy bay ở sân bay Heathrow, London ngày 21/3. Ảnh: Reuters
Sân bay Heathrow mở cửa vào cuối Thế chiến II, sau đó được mở rộng và nâng cấp trong nhiều thập kỷ. Kết quả là sân bay sử dụng kết hợp cáp cùng hệ thống điện cũ và mới nhằm đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng.
"Lưới điện đã cũ", Najmedin Meshkati, giáo sư kỹ thuật tại Đại học Nam California cho biết. "Chúng càng cũ thì việc bảo trì càng trở nên quan trọng".
Sau sự cố, Thủ tướng Anh Keir Starmer đã nhấn mạnh: "Tôi không muốn thấy một sân bay quan trọng như Heathrow tê liệt như sự việc vừa qua".
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tránh việc này tái diễn trong tương lai. Simon Gallagher, giám đốc điều hành đơn vị tư vấn UK Networks Services, cho biết ngay cả với một sân bay có quy mô lớn như Heathrow, vẫn có thể tạo ra các hệ thống dự phòng đủ mạnh để duy trì hoạt động bình thường. Nhưng chi phí có thể lên tới 100 triệu USD và mất nhiều năm để triển khai, tạo ra gánh nặng với doanh nghiệp tư nhân như Heathrow. Cho đến nay, hầu hết các sân bay không sẵn sàng đầu tư lớn để xây dựng hệ thống dự phòng toàn diện.
Chuyên gia năng lượng cho rằng chi phí để đảm bảo nguồn dự phòng cho một địa điểm lớn như Heathrow thậm chí có thể vượt xa cả tổn thất. Willie Walsh đánh giá Heathrow cũng có rất ít động lực để cải thiện vì các hãng hàng không, chứ không phải sân bay, là bên phải trả chi phí chăm sóc hành khách khi lịch trình bị gián đoạn.
Nghị sĩ Harris cho rằng sự cố đóng cửa sân bay cho thấy vấn đề lớn của Anh. "Bạn luôn phải đảm bảo rằng sẵn sàng cho mọi tình huống, phải lên kế hoạch cho những sự cố có thể xảy ra", ông nói.
Thùy Lâm (Theo Business Standard, The Conversation, Guardian, BBC)