"Mũi tên Gãy" là thuật ngữ được quân đội Mỹ sử dụng để chỉ sự cố liên quan vũ khí hạt nhân, bao gồm phóng, khai hỏa, kích nổ nhầm và bị trộm hoặc đánh mất loại khí tài này.
Sự cố "Mũi tên Gãy" đã xảy ra ít nhất 32 lần trong lịch sử, lần đầu tiên là vào gần nửa đêm ngày 13/2/1950, tức là cách đây 75 năm. Khi đó, oanh tạc cơ tầm xa B-36B của Không đoàn Ném bom Hạng nặng số 7 thuộc Bộ tư lệnh Không quân Chiến lược Mỹ do đại úy Harold Barry dẫn đầu cất cánh từ căn cứ không quân Eielson, bang Alaska, mang theo quả bom hạt nhân Mark 4 chứa 2.300 kg thuốc nổ TNT và lượng chất phóng xạ uranium không được tiết lộ để thực hiện nhiệm vụ huấn luyện tình huống chiến đấu.
Mục tiêu ném bom giả định là thành phố San Francisco ở bang California, mô phỏng một đô thị có kích thước tương đương của Liên Xô và Trung Quốc, hai đối thủ của Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Vào thời điểm đó, B-36B là mẫu máy bay hiện đại nhất của Bộ tư lệnh Không quân Chiến lược, đồng thời là oanh tạc cơ xuyên lục địa thật sự đầu tiên của không quân Mỹ. Nhưng ngay sau khi cất cánh, chiếc B-36B đã lập tức gặp vấn đề. Đầu tiên là việc băng bắt đầu hình thành bên ngoài thân máy bay khi nó đi vào vùng thời tiết xấu.

Oanh tạc cơ B-36B Mỹ của Không đoàn 7 năm 1949. Ảnh: Không quân Mỹ
Để duy trì độ cao cần thiết, phi hành đoàn đã phải tăng công suất động cơ. Khoảng 6 giờ sau khi nhiệm vụ huấn luyện bắt đầu, ba động cơ của máy bay quá tải, đột ngột bốc cháy khi đang ở độ cao khoảng 3.700 mét, buộc tổ lái phải tắt các động cơ này.
Máy bay sau đó phải bay bằng ba động cơ piston Pratt & Whitney Wasp Major còn lại. Mẫu B-36B khi đó chưa được lắp thêm 4 động cơ tuốc-bin phản lực dưới cánh như trong cấu hình sau này.
Dù ba động cơ còn lại đã được chuyển sang chế độ khẩn cấp, tức là hoạt động với công suất lớn hơn bình thường trong thời gian ngắn, máy bay B-36B vẫn mất độ cao. Sau khi xác định rằng chiếc B-36B không thể tiếp tục bay bằng, phi hành đoàn đã quyết định sẽ bỏ oanh tạc cơ.
"Chúng tôi mất độ cao rất nhanh, ở mức hơn 150 mét một phút và tôi đã yêu cầu người vận hành radar chỉ hướng để có thể bay ra biển. Máy bay tiếp tục giảm độ cao nhanh chóng và chỉ còn cách mặt nước hơn 2.700 m khi ra tới biển", đại úy Barry nói khi tường trình với ủy ban điều tra của không quân Mỹ.
Theo quy trình của không quân Mỹ vào thời điểm đó, đầu tiên phi hành đoàn phải mở cửa khoang chứa, thả quả bom Mark 4 từ độ cao khoảng 2.400 mét. Phi công phụ kích hoạt công tắc thả bom, nhưng không có gì xảy ra. Phải đến lần thứ hai thì cửa khoang vũ khí mới mở.
Vào giai đoạn này, bom hạt nhân rơi tự do của Mỹ được thiết kế để có thể lắp lõi phân hạch vào khi phi cơ đang bay, biện pháp đề phòng cần thiết đối với các dòng vũ khí chiến lược thế hệ thứ nhất vốn tiềm ẩn rủi ro khi vận hành. Chỉ khi có sự cho phép trực tiếp của tổng thống Mỹ, oanh tạc cơ mới được cất cánh với lõi phân hạch lắp sẵn trong bom.

Bom hạt nhân Mark 4. Ảnh: Wikimedia
Quả bom Mark 4 rơi thẳng xuống Thái Bình Dương, tại vị trí cách thị trấn Bella Bella nằm trên bờ biển phía bắc của tỉnh British Columbia của Canada khoảng 90 km về phía tây bắc.
Các thành viên phi hành đoàn cho hay họ đã cài đặt ngòi nổ để bom kích hoạt ở độ cao khoảng 1.400 mét, tạo ra chớp sáng chói lòa, nối tiếp bằng một âm thanh lớn và sóng xung kích. Vụ nổ được gây ra bởi thuốc nổ TNT bên trong quả bom, do lõi phân hạch đã được tháo ra và thay bằng lõi chì huấn luyện có khối lượng tương đương.
Nếu bên trong quả bom vẫn là lõi phân hạch, sức công phá của vụ nổ có thể lên tới 31 kiloton, tức là gấp đôi quả bom hạt nhân "Little Boy" thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản hồi năm 1945 khiến khoảng 140.000 người thiệt mạng.
"Người vận hành radar sau đó điều hướng để đưa máy bay trở lại đất liền, còn kỹ sư thì cung cấp nguồn điện khẩn cấp để máy bay duy trì độ cao. Phi cơ vẫn tiếp tục giảm độ cao nhanh chóng và vào thời điểm chúng tôi về tới đất liền, máy bay chỉ còn cách mặt đất khoảng 1.500 mét. Vì vậy, tôi đã phát tín hiệu báo động và ra lệnh cho mọi người rời máy bay", Barry cho hay.
Viên đại úy sau đó điều chỉnh để phi cơ bay theo hướng tây nam nhằm đâm xuống biển. Toàn bộ 17 người trong phi hành đoàn đã nhảy dù trên khu vực đảo Princess Royal của Canada.
Giới chức Mỹ đã thực hiện chiến dịch giải cứu quy mô lớn để cố gắng cứu phi hành đoàn và thu hồi thiết bị nhạy cảm từ oanh tạc cơ. Tổng cộng hơn 40 máy bay của Mỹ và Canada đã được huy động tham gia chiến dịch.

Vị trí tìm thấy xác máy bay ở núi Kologet và các địa điểm liên quan. Đồ họa: Google Maps
Một cuộc tìm kiếm đã được tiến hành ở phía tây nam của vị trí mà phi hành đoàn nhảy dù, song không thấy dấu vết nào của máy bay. Chiếc phi cơ khi đó được cho là đã lao xuống biển.
5 thành viên phi hành đoàn chưa bao giờ được tìm thấy. Họ dường như đã nhảy dù xuống vùng biển nằm giữa đảo Gil và đảo Princess Royal. Trong điều kiện lạnh giá và không có đồ bảo hộ, những người này không thể sống sót được lâu. Không phải tất cả thành viên phi hành đoàn đều có áo phao bơm hơi.
Xác của chiếc B-36B cuối cùng được tìm thấy ở sườn núi Kologet vào năm 1953, cách nơi phi hành đoàn nhảy dù khoảng 350 km. Nó chỉ tình cờ được phát hiện trong lúc không quân Canada đang tìm kiếm một người mất tích.
Lo ngại rằng thiết bị nhạy cảm trên xác oanh tạc cơ có thể rơi vào tay Liên Xô, không quân Mỹ đã cử một đội cứu hộ đến song không thể tiếp cận địa điểm máy bay rơi. Hai nhóm nữa sau đó được điều đi và cuối cùng vào năm 1954, một đội chuyên phá hủy công trình đã đến được hiện trường, thu hồi hoặc phá hủy các bộ phận nhạy cảm trên máy bay.
Một trong 5 thành viên phi hành đoàn mất tích là đại úy Theodore Schreier, chuyên gia về vũ khí hạt nhân. Một số thông tin cho rằng Schreier có thể đã ở lại trên máy bay chứ không nhảy dù nhằm cố gắng đưa phi cơ quay về Alaska. Điều này cũng làm dấy thuyết âm mưu về việc quả bom vẫn ở trên oanh tạc cơ vào thời điểm nó bị rơi.

Mảnh vỡ từ buồng lái của chiếc B-36. Ảnh: Viện bảo tàng Chiến tranh Lạnh Canada
Dù vậy, tất cả bằng chứng đều chỉ ra rằng phi hành đoàn đã cài đặt thành công ngòi nổ cho quả bom, thả ra ngoài và chứng kiến nó phát nổ trên mặt nước. Cuộc điều tra gần đây tại hiện trường máy bay rơi cũng cho thấy điều tương tự, do trên móc treo bom không có dấu vết nào về việc quả đạn vẫn ở trên máy bay khi nó bị rơi.
Là hiện trường của sự cố "Mũi tên Gãy" đầu tiên, địa điểm máy bay gặp nạn những năm sau đó thường xuyên được điều tra viên ghé thăm. Thợ săn chiến lợi phẩm cũng đã lấy hầu hết những gì còn sót lại của oanh tạc cơ để làm hiện vật.
Phạm Giang (Theo War Zone)