Đạp nhầm chân ga là ác mộng đối với mọi tài xế khi tham gia giao thông, không chừa bất kỳ một ai hay loại xe gì. Khi đạp nhầm chân ga, nhẹ thì giật mình, hoảng loạn tinh thần hoặc thiệt hại tài sản một chút, nặng thì còn thiệt hại về người. Không ít vụ đạp nhầm chân ga để lại hậu quả nghiêm trọng.
Phần lớn các vụ đạp nhầm chân ga xảy ra với xe số tự động, ít trường hợp xe khách, xe tải "điên". Nguyên nhân là do xe số sàn khác với số tự động ở chỗ là ly hợp do người lái điều khiển. Nếu đạp nhầm chân ga mà hoảng quá đạp luôn chân côn thì xe sẽ gầm máy, chứ không chạy.
Nhưng xe số tự động thì hoàn toàn phó mặc cho bộ ly hợp tự động nên cứ đạp ga là xe vọt đi. Nguyên nhân chủ quan là do nhiều người cho rằng xe số tự động dễ điều khiển. Hoặc do tâm lý không vững, hoặc đặt bàn chân sai cách, thiếu kinh nghiệm lái xe, bị bất ngờ.
Chính vì quá đơn giản nên nhiều người lái dễ chủ quan, dễ nhầm chân ga. Khi nhầm, xe sẽ có xu hướng tăng tốc đột ngột khiến người lái giật mình. Nhiều người tâm lý yếu nên thấy xe phản ứng ngược mục đích lại ga càng mạnh thêm, gây nên những vụ xe "điên" mà chúng ta thường thấy.
Vậy, làm gì để giảm thiểu sự cố này? Theo kinh nghiệm của tôi, điều tối quan trọng là khi lên xe, bạn phải cảm nhận được vị trí chân như thế nào, chỉnh ghế lái, tư thế lái cho đúng với đặc điểm của mỗi người. Chân côn do chân trái điều khiển, chân phải kiểm soát phanh và ga. Nhiều khi cảm giác chân không chuẩn nên rất dễ đạp nhầm.
Một nguyên tắc phải tuân thủ tuyệt đối, đó là gót chân không rời sàn, nếu không cảm giác sẽ không chuẩn nữa. Rất nhiều người lái xe mà tôi thấy nhấc cả gót chân để ga, phanh thì nhấc cả gót chân để phanh. Xin thưa, nếu chẳng may nhấc chân như vậy rồi đạp nhầm thì hậu quả sẽ thế nào?
Đặc biệt, không dùng cả hai chân khi lái xe số tự động. Nhiều người thắc mắc rằng chân trái để làm gì, mỗi chân một bàn đạp chả phải quá tiện hay sao? Nhưng thực tế, hai bàn đạp đã trái ngược vai trò, nếu hoảng loạn, bạn sẽ dễ đạp cùng lúc cả hai chân khiến phanh không hiệu quả, thậm chí còn dễ thành xe "điên", trượt xe quay vòng vòng. Cách tốt nhất là bàn chân phải đặt thẳng với chân phanh, khi cần chuyển nhẹ sang chân ga là ổn.
Một nguyên tắc nữa là "côn đạp nhanh, phanh nhẹ nhàng, ga dịu dàng" - phanh ga phải thật nhẹ nhàng, tức là vào rất chậm rãi để người lái nhận ra cái xe đang làm gì, đi đâu? Nhỡ chẳng may có nhầm chân thì bạn còn nhận ra và sửa sai kịp thời, không để lại hậu quả quá đáng tiếc. Vì nhiều vụ nhầm chân ga xảy ra do ga đột ngột, khiến người lái bất ngờ. Khi lái xe, bạn phải biết mình đang dùng chân nào? Nếu tâm lý yếu thì nhấn nhẹ bàn đạp xem xe phản ứng ra sao, nếu xe đi chậm lại thì đúng là bàn đạp phanh.
Nếu không ga nữa, bạn phải rời ngay sang chân phanh để chuẩn bị phanh. Thực tế, tôi thấy có người để chân chờ ở bàn đạp ga, khi hoảng lên là đạp nhầm ngay. Giày dép đi khi lái xe cũng phải phù hợp, đi giày đế bằng sẽ tạo điểm tựa tốt nhất với sàn xe, cùng lắm là đi xăng đan cho thoải mái khi trời nóng và phải ôm chân tốt. Trong khi đó có người đi chân đất sẽ dễ khiến chân bị mỏi, dễ chuột rút. Nhiều chị em thậm chí còn đi cả dép hay giày cao gót khi lái xe nhưng nó sẽ làm tựa không vững, dễ trượt chân khỏi bàn đạp.
Và một điểm cuối cùng cần chuẩn bị đó là tâm lý khi lái xe. Nếu tâm lý không vững, chỉ cần tình huống bất ngờ, bạn sẽ dễ đạp nhầm chân ga. Điều này là thực tế vì đã có vụ đi qua đuôi xe đang lùi thì tài xế bất ngờ tăng ga khiến người đó phải nhập viện.
Trên đây là vài nguyên tắc để giảm thiểu tình trạng đạp nhầm chân ga phải trên kinh nghiệm thực tế mà tôi muốn chia sẻ đến các bạn tài xế. Vì là ý kiến cá nhân nên có thể còn thiếu sót, rất mong các bạn độc giả cùng đóng góp thêm để tất cả cùng nhau rút kinh nghiệm, thay đổi thói quen lái xe của mình, vì an toàn giao thông cũng như trách nhiệm với cộng đồng.