Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội Nga tuần trước cho thấy một tiêm kích tàng hình Su-57 dường như được trang bị tấm chắn cửa hút khí động cơ, tính năng quan trọng có thể giảm độ bộc lộ radar và tăng khả năng ẩn mình cho chiến đấu cơ Nga.
Trong video do truyền hình Nga công bố, nguyên mẫu Su-57 mang số hiệu 509 được khởi động trước một chuyến bay thử. Hệ thống thủy lực được kích hoạt và diềm cánh được thu lại, cho thấy góc nhìn thẳng vào cửa hút khí động cơ bên trái máy bay.
Một số chuyên gia quân sự đã điều chỉnh màu sắc và độ sáng của hình ảnh, lần đầu hé lộ tấm chắn radar được gắn trước cửa hút khí động cơ của nguyên mẫu Su-57.
Các nguyên mẫu Su-57 đầu tiên sử dụng cửa hút khí động cơ hình chữ S để che chắn cánh quạt tầng nén động cơ, một trong những bộ phận có độ phản xạ radar lớn nhất trên tiêm kích.
Dù sử dụng thiết kế này, một phần động cơ vẫn lộ ra, biến thành "điểm yếu chí tử" của Su-57 trước radar đối phương. Nhiều chuyên gia phương Tây cho rằng đây chính là lý do khả năng tàng hình của Su-57 Nga kém xa dòng F-22, F-35 Mỹ.
Sự xuất hiện của tấm chắn làm từ vật liệu hấp thụ sóng radar có thể khắc phục nhược điểm này, nhưng nó chưa từng xuất hiện trên các nguyên mẫu Su-57 trước đây. Chuyên gia hàng không David Cenciotti của trang Aviationist cho rằng bộ phận này có thể được cấu thành từ nhiều khối khác nhau để bảo đảm dòng khí vào được động cơ mà không bị hạn chế.
Tiêm kích Su-57 số hiệu 509 là nguyên mẫu thử nghiệm bay thứ 8 trong dự án phát triển chiến đấu cơ tàng hình Nga. Nó được dùng để kiểm tra hệ thống điện tử hàng không hoàn chỉnh, cũng là nguyên mẫu được dùng trong giai đoạn phát triển thứ hai, tập trung vào động cơ Izdeliye 30 dành riêng cho dòng Su-57.
Su-57 là tiêm kích thế hệ 5 đầu tiên của Nga, được thiết kế để cạnh tranh với F-22, F-35 Mỹ và J-20 Trung Quốc. Su-57 được phủ vật liệu hấp thụ sóng radar và có thiết kế tối ưu cho khả năng tàng hình trước thiết bị trinh sát điện tử của đối phương.
Nga từng hai lần triển khai Su-57 tới Syria vào cuối năm 2018 và tháng 12/2019 để thử nghiệm tác chiến thực tế. Dòng tiêm kích này được giới phân tích quân sự đánh giá cao về khả năng cơ động so với các đối thủ, nhưng khó thể hiện hết năng lực tàng hình khi vẫn đang dùng động cơ phát triển từ biến thể cho chiến đấu cơ đa năng Su-35S.
Giám đốc đốc điều hành tập đoàn quốc phòng Nga Rostec Sergei Chemezov ngày 7/12 cho biết sẽ bàn giao tiêm kích Su-57 đầu tiên trong lô 76 chiếc sản xuất loạt cho quân đội Nga trước năm 2021.
Hình ảnh do Bộ Quốc phòng Nga công bố cho thấy bản Su-57 sản xuất loạt đã khắc phục nhiều nhược điểm về khả năng tàng hình so với nguyên mẫu bay thử, trong đó tổ hợp bám bắt hồng ngoại có tấm chắn bằng vật liệu hấp thụ radar khi chưa sử dụng, cửa hút khí ở cánh đuôi đứng được điều chỉnh và khe hở giữa các tấm thân vỏ cũng bọc kín hơn.
Vũ Anh (Theo Aviationist)