Tiến sĩ, chuyên gia tâm lý Phạm Mạnh Hà cho biết stress là phản ứng cơ thể trước những yêu cầu, áp lực bên ngoài vượt ngưỡng chịu đựng của cơ thể, ảnh hưởng đến tinh thần và sức khỏe.
Những người liên tục căng thẳng dễ bị cảm lạnh và cảm cúm thông thường. Khi đó, cơ thể sẽ mất nhiều thời gian để phục hồi. Khi đàn ông bị căng thẳng, testosterone được cơ thể sản xuất ở mức cao. Tình trạng này kéo dài dẫn đến suy giảm ham muốn, rối loạn cương dương. Đối với phụ nữ, tâm lý bất ổn sẽ làm không kiểm soát được hành động.
Bên cạnh đó, khi stress, tế bào não bị thiếu oxy làm cho cơ thể luôn mệt mỏi, uể oải, suy giảm trí nhớ... Bộ não đặc biệt dễ bị tổn thương bởi luôn cần dinh dưỡng và ôxy hóa để khỏe mạnh, hoạt động đúng cách. Nếu cơ thể phải chịu căng thẳng quá mức, bạn có thể bị mất trí nhớ và co rút não trước 50 tuổi, cơ thể mất dần hệ miễn dịch, thậm chí rơi vào trầm cảm.
Ngoài ra, căng thẳng kéo dài gây chán ăn hoặc một số hiện tượng như táo bón, tiêu chảy, nôn, đau bụng, buồn nôn... do gan phải hoạt động nhiều. Theo bác sĩ dinh dưỡng Phạm Thị Bảo An, Bệnh viện Đa khoa thành phố Hà Tĩnh, stress kiến bạn thở nhanh, tăng nhịp tim, ảnh hưởng đến cơ thể sản xuất dịch tiêu hóa làm tăng nguy cơ ợ nóng và chua, đau dạ dày.
Cách giảm stress mỗi ngày
- Dưỡng sinh, ngồi thiền, yoga là ba liệu pháp vàng để giải tỏa căng thẳng.
- Luôn duy trì cuộc sống theo hướng tích cực, tận dụng tối đa những giờ phút thư giãn. Sống vui tươi, lành mạnh và cởi mở với mọi người xung quanh.
- Chế độ ăn uống hợp lý, tăng cường hấp thu vitamin B và C nhằm cải thiện chức năng của hệ miễn dịch.
- Học cách quản lý thời gian, cân bằng công việc và cuộc sống, sống lành mạnh mỗi ngày.
Thùy An