Trong báo cáo kinh tế toàn cầu quý III vừa công bố, Ngân hàng Standard Chartered cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 7% năm 2018. Con số này tăng 0,2% so với dự báo 6,8% được chính ngân hàng này đưa ra trước đó. Theo mục tiêu của Chính phủ, tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 6,7% và lạm phát dưới 4%.
Theo báo cáo này, xây dựng và sản xuất dự kiến tiếp tục là hai lĩnh vực có mức tăng trưởng cao nhất trong năm nay. Ngoài ra, vốn FDI chảy vào Việt Nam sẽ tiếp tục ở mức cao trong năm nay, nhất là vào lĩnh vực sản xuất, vốn chiếm gần 50% tổng lượng vốn FDI thu hút được. 5 tháng đầu năm, vốn FDI thực hiện đạt 6,75 tỷ USD, và dự báo cả năm 2018 Việt Nam sẽ thu hút gần 15 tỷ USD vốn ngoại.
Ông Chidu Narayanan, chuyên gia kinh tế khu vực châu Á của Standard Chartered nhìn nhận, dòng vốn FDI chảy vào lĩnh vực sản xuất vẫn duy trì mức cao là động lực cho tăng trưởng của Việt Nam trong trung hạn.
Sản xuất tại một công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Ảnh: Reuters |
Các chuyên gia kinh tế của Standard Chartered cũng dự báo Việt Nam đạt thặng dư thương mại ở mức vừa phải từ giờ đến cuối năm nhờ xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ trong khi nhập khẩu chậm lại. Xuất khẩu hàng điện tử dự kiến tiếp tục tăng mạnh trong năm 2018 và đạt mức tăng trưởng trên 20%, nhờ nhu cầu cao đối với mặt hàng linh kiện, đặc biệt là màn hình OLED dùng cho các thiết bị di động.
Trước những biến động kinh tế thế giới gây áp lực lên thị trường ngoại hối, Standard Chartered cho rằng, Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ tiếp tục duy trì chính sách linh động trong ngắn hạn nhằm hỗ trợ tăng trưởng. Tuy nhiên, đồng Việt Nam khó tránh khỏi việc mát giá nhẹ trong năm nay, tỷ giá ngoại hối trong hệ thống ngân hàng sẽ chạm ngưỡng 22.950 đồng vào cuối quý III và 23.000 đồng cuối năm 2018.
Hết quý II, số liệu công bố của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho thấy, GDP 6 tháng đạt 7,08% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý I là 7,45% và quý II tăng 6,79%. Đây là mức tăng GDP cao nhất của 6 tháng từ năm 2011. Tuy nhiên, khác với quy luật tăng chung của nền kinh tế các năm trước, GDP tăng chậm lại và không còn quy luật quý sau cao hơn quý trước.
Cùng đà tăng trưởng, lạm phát cũng đang tăng trở lại khi chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đã tăng 3,29% so với cùng kỳ 2017. Các chuyên gia cho rằng, có khá nhiều thách thức nếu muốn giữ lạm phát dưới 4% như mục tiêu Chính phủ đề ra.
Anh Minh