Dòng người xếp hàng mua xăng và dầu diesel đã kéo dài hàng km trên khắp thủ đô Colombo của Sri Lanka, mặc dù hầu hết các trạm xăng đều không còn nhiên liệu suốt nhiều ngày qua.
Bộ trưởng Năng lượng Kanchana Wijesekera cho biết lượng xăng dự trữ của quốc gia hiện rơi vào khoảng 4.000 tấn, thấp hơn lượng tiêu thụ một ngày trên cả nước.
"Chuyến hàng nhiên liệu tiếp theo dự kiến cập cảng vào ngày 22 hoặc 23/7", ông hôm qua nói với các phóng viên ở Colombo. "Chúng tôi đã liên hệ với các nhà cung cấp nhưng không thể đảm bảo bất kỳ nguồn cung mới nào trước ngày 22".
Sri Lanka tuần trước thông báo ngừng bán nhiên liệu hai tuần, ngoại trừ đối với các dịch vụ thiết yếu, nhằm tiết kiệm xăng và dầu diesel đề phòng trường hợp khẩn cấp.
Hầu hết các cửa hàng đều đã đóng cửa vào ngày 3/7, với tình hình dự kiến còn tồi tệ hơn khi các ngân hàng và văn phòng mở cửa trở lại vào hôm sau. Không ít người tuyệt vọng ra dấu hiệu xin đi nhờ trên các con đường vì xe của họ đều đã hết xăng.
Các hãng xe buýt thuộc sở hữu tư nhân, chiếm 2/3 đội xe của Sri Lanka, cho hay hiện tại, họ chỉ vận hành một số tuyến cơ bản.
"Chúng tôi chỉ đang vận hành khoảng 1.000 xe trên khắp đất nước trong 20.000 xe của các thành viên", Chủ tịch Hiệp hội các Nhà khai thác Xe buýt Tư nhân Gemunu Wijeratne hôm qua nói. "Tình hình chắc chắn sẽ tệ hơn vào ngày mai bởi chúng tôi không có cách nào để mua nhiên liệu".
Ông cho hay các chuyến xe sẽ được cắt giảm thêm vào ngày 4/7 và họ chưa có bất kỳ giải pháp tức thì nào.
Taxi ba bánh, phương tiện giao thông phổ biến ở Sri Lanka, cũng không còn xuất hiện trên đường phố. Hầu hết người dân đều phải xếp hàng dài cả ngày để có thể nhận được được khẩu phần 6 lít xăng.
Nền kinh tế Sri Lanka đang chịu áp lực từ các khoản nợ chồng chất, sụt giảm nguồn thu từ du lịch, vật giá leo thang, cũng như các tác động khác từ đại dịch Covid-19, khiến nước này rơi vào tình cảnh phá sản, hầu như không có ngoại tệ để nhập khẩu xăng, khí đốt, sữa hay giấy vệ sinh.
Do không thể trả khoản nợ nước ngoài lên đến 51 tỷ USD, chính phủ Sri Lanka hồi tháng 4 tuyên bố vỡ nợ và đang đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để đảm bảo một gói cứu trợ. Colombo phải trả nợ trung bình 5 tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2026.
Vũ Hoàng (Theo AFP)