Theo ông Dominic Scriven – Chủ tịch Dragon Capital, Sri Lanka và Việt Nam giống nhau ở chỗ đều trải qua lịch sử thuộc địa và chiến tranh, tồn tại bên cạnh nước lớn nên phải “rất thông minh” trong chính sách ngoại giao. Và đặc biệt, “quan hệ là cực kỳ quan trọng” khi làm ăn tại Sri Lanka.
Hiện nước này đang có một thị trường chứng khoán còn mới mẻ, giá rẻ nên theo vị chuyên gia, các nhà đầu tư lướt sóng ở Việt Nam đang có cơ hội kiếm lời lớn. Bên cạnh đó, du lịch là một ngành hấp dẫn, nhất là du lịch sinh thái bền vững.
“Sri Lanka đáp ứng mọi nhu cầu của khách du lịch và có nhiều di sản được công nhận bởi UNESCO. Chúng tôi có những bờ biển đẹp ở phía Tây cùng các cao nguyên với thác nước. Chúng tôi có những lễ hội được biết đến trên toàn thế giới. Mua sắm cũng là một khía cạnh thú vị. Nếu muốn mua đá quý thì đây là nơi có thể đến. Không phải những quốc gia khác không có những điểm đến như chúng tôi nhưng Sri Lanka có địa lý đa dạng trong cùng một hòn đảo”, ông Nalin Jayasundera – Giám đốc Aitken Spence Travels cho biết
Tuy nhiên, theo ông Y.B Wijekoon – Giám đốc Deluxe Vacation Sri Lanka, chỉ mới khoảng 2.000 người Việt sang đảo quốc này du lịch mỗi năm, chủ yếu vì lý do tôn giáo. Ông Dominic Scriven cho rằng, trong khi giới trẻ Việt Nam kéo sang Myanmar hay Bhutan thì dường như họ đang “quên” Sri Lanka, một nơi có phần thú vị hơn.

Sri Lanka dường như đang bị các nhà đầu tư Việt Nam "bỏ quên" khi có ý định đầu tư ra nước ngoài. Ảnh: Viễn Thông
Trao đổi tại buổi xúc tiến thương mại và đầu tư vào Sri Lanka vừa diễn ra, bà Hasanthi Urugodawatte Dissanayake - Đại sứ Sri Lanka tại Việt Nam cho biết, ngoài du lịch thì một loạt ngành khách đang tăng trưởng mạnh và chào mời nhà đầu tư Việt Nam.
“Du lịch luôn là ngành phát triển nhanh nhất tại Sri Lanka. Ngoài ra, còn có bất động sản, logistics, cơ sở hạ tầng, tài chính, giáo dục, y tế… đang nở rộ. Chúng tôi có giáo dục miễn phí. Chỉ một số đại học công lập cho sinh viên giỏi tiếp cận. Những sinh viên còn lại phải tìm cơ hội khác như du học nước ngoài. Do đó, chúng tôi muốn thu hút đại học quốc tế vào Sri Lanka. Chúng tôi cũng có hệ thống y tế miễn phí. Còn hệ thống y tế tư nhân chưa phát triển hoàn chỉnh nên mở ra cơ hội cho các nhà dầu tư”, bà Hasanthi Urugodawatte Dissanayake cho hay.
Theo vị đại sứ, Sri Lanka rất gần tuyến hàng hải Đông Tây bận rộn nhất thế giới nên giúp nước này trở thành một trung tâm về tàu biển nhưng chi phí rẻ hơn Singapore dù lợi thế vị trí địa lý như nhau. Mục tiêu của nước này là trở thành trung tâm hậu cần của vùng biển châu Á, từ bờ đông châu Phi đến bờ tây châu Mỹ.
Trong khi đó, về lĩnh vực thương mại, Sri Lanka được xếp hạng là nền kinh tế tự do hóa bậc nhất ở Nam Á. Ngành dịch vụ đóng góp gần 57% vào tỷ trọng nền kinh tế. Nhờ đã ký FTA với Ấn Độ và Pakistan nên nhà đầu tư tiếp cận thị trường nước này cũng đồng nghĩa cơ hội tiếp cận một thị trường Nam Á đến 1,5 tỷ dân.
“Chính sách quản lý ngoại hối của chúng tôi khá cởi mở. Các quyết định quản lý chuyển tiền đã được tự do hoá. Các nhà kinh doanh nước ngoài có thể chuyển tiền nhanh và đơn giản. Chúng tôi cũng đã phá giá đồng rupee Sri Lanka. Các quy định quản lý khá linh hoạt và không có trở ngại về tài chính như chuyển lợi nhuận, lợi tức từ Sri Lanka về, tất nhiên phải có hồ sơ chứng từ rõ ràng”, nữ đại sứ cho biết thêm.
Giai đoạn 2010 – 2016, tỷ lệ tăng trưởng kim ngạch thương mại hai chiều bình quân giữa Việt Nam và Sri Lanka đạt 34%/năm. Riêng năm 2016, kim ngạch thương mại song phương đạt 325,6 triệu USD. Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe vào tháng tư vừa qua, lãnh đạo hai nước thống nhất đưa kim ngạch thương mại song phương lên 1 tỷ USD trong những năm tới.
Viễn Thông