Tình trạng khẩn cấp được Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa ban bố ngày 6/5 để đảm bảo trật tự công cộng, sau khi các cửa hàng bị đóng cửa và giao thông đình trệ tại quốc đảo Nam Á. Một phát ngôn viên của Tổng thống Rajapaksa cho biết tình trạng khẩn cấp sẽ được áp dụng từ nửa đêm.
Đây là lần thứ hai Sri Lanka ban bố tình trạng khẩn cấp trong vòng 5 tuần. Sri Lanka lần đầu ban bố tình trạng khẩn cấp hôm 1/4, một ngày sau khi người biểu tình tìm cách xông vào nhà của Tổng thống Rajapaksa, quyết định này hết hiệu lực vào ngày 14/4.
Tình trạng khẩn cấp cho phép lực lượng an ninh Sri Lanka bắt và giam các nghi phạm trong thời gian dài mà không chịu sự giám sát của cơ quan tư pháp, đồng thời cho phép triển khai quân đội để hỗ trợ cảnh sát duy trì luật pháp và trật tự.
Cảnh sát Sri Lanka ngày 6/5 dùng hơi cay và vòi rồng để giải tán đoàn biểu tình cố gắng tràn vào tòa nhà quốc hội để yêu cầu ông Rajapaksa từ chức. Hàng nghìn người biểu tình tập trung bên ngoài văn phòng của Tổng thống Rajapaksa, trong khi nhiều nhóm khác tìm cách xông vào nhà của các quan chức chủ chốt.
Hàng nghìn công nhân Sri Lanka cùng ngày đình công, khiến các dịch vụ đường sắt và xe buýt do nhà nước quản lý bị đình trệ. Dịch vụ xe buýt tư nhân, chiếm 2/3 đội xe của Sri Lanka, cũng không hoạt động.
Người biểu tình đổ lỗi cho Tổng thống Rajapaksa và các quan chức Sri Lanka về sai lầm trong quản lý kinh tế, gây ra tình trạng mất điện, thiếu lương thực, nhiên liệu và dược phẩm trầm trọng trong nhiều tháng.
Tổng thống Rajapaksa khẳng định ông sẽ không từ chức bất chấp biểu tình leo thang. Các nguồn tin cho biết Tổng thống Sri Lanka có thể gây áp lực buộc anh trai là Thủ tướng Mahinda Rajapaksa từ chức, đồng thời thành lập chính phủ liên minh để đưa quốc gia Nam Á thoát khỏi khủng hoảng kinh tế.
Sri Lanka từ lâu ký nhiều thỏa thuận vay của nước ngoài nhằm đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, chính sách quản lý tài chính yếu kém cùng tác động từ đại dịch Covid-19 với ngành du lịch, vốn mang lại nguồn thu lớn cho đất nước, đã khiến Sri Lanka ngập trong "núi nợ".
Sri Lanka ngày 12/4 tuyên bố vỡ nợ và không đủ khả năng trả khoản nợ nước ngoài 51 tỷ USD, đồng thời đề nghị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hỗ trợ. Các tổ chức đánh giá tín dụng quốc tế đã hạ mức tín dụng của Sri Lanka từ năm ngoái, khiến quốc gia này gần như không thể tiếp cận với thị trường vốn nước ngoài để vay thêm tiền trang trải chi phí nhập khẩu hàng hóa.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)