Bộ Tài chính Sri Lanka hôm nay tuyên bố các chủ nợ của nước này, trong đó có chính phủ các nước đã cho quốc gia Nam Á vay tiền, có thể cộng dồn lãi chưa trả vào khoản vay mà Sri Lanka đến hạn thanh toán từ chiều cùng ngày, hoặc chọn nhận lại khoản vay gốc bằng đồng rupee Sri Lanka.
"Chính phủ chỉ áp dụng biện pháp khẩn cấp này như lựa chọn cuối cùng nhằm ngăn tình hình tài chính của đất nước thêm xấu đi", Bộ Tài chính Sri Lanka giải thích về quyết định tuyên bố vỡ nợ với các khoản vay nước ngoài.
Cơ quan này nói thêm rằng tuyên bố vỡ nợ là để đảm bảo "đối xử công bằng và bình đẳng đối với tất cả các chủ nợ" trước khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cung cấp chương trình hỗ trợ cho quốc gia Nam Á.
Đảo quốc Ấn Độ Dương đang vật lộn với cuộc suy thoái tồi tệ nhất từ khi giành được độc lập, khi chính phủ Sri Lanka không còn ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng cần thiết. Tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu và mất điện diện rộng trong thời gian dài đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình chống chính phủ.
Sri Lanka từ lâu đã ký nhiều thỏa thuận vay của nước ngoài nhằm đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, chính sách quản lý tài chính yếu kém cùng tác động từ đại dịch Covid-19 với ngành du lịch, vốn mang lại nguồn thu lớn cho đất nước, đã khiến Sri Lanka ngập trong "núi nợ".
Các tổ chức đánh giá tín dụng quốc tế đã hạ mức tín dụng của Sri Lanka từ năm ngoái, khiến quốc gia này gần như không thể tiếp cận với thị trường vốn nước ngoài để vay thêm tiền trang trải chi phí nhập khẩu hàng hóa.
Quốc gia này đã xin được xóa nợ từ Ấn Độ và Trung Quốc, song cả hai quốc gia chỉ đồng ý tăng hạn mức tín dụng để Sri Lanka mua thêm hàng hóa. Sri Lanka phải nhập khẩu hầu hết mặt hàng, từ sữa bột, gạo, xăng dầu cho tới dược phẩm, xi măng.
Ngọc Ánh (Theo AFP)