Đúng 3h13 sáng hôm 11/3 theo giờ địa phương (15h13 giờ Hà Nội), tên lửa Falcon 9 cất cánh từ Tổ hợp phóng 40 tại Trạm Không quân Mũi Canaveral ở bang Florida, Mỹ, đưa thành công cùng lúc 60 vệ tinh Internet Starlink lên quỹ đạo Trái Đất tầm thấp. Đây là sứ mệnh Starlink thứ hai được SpaceX triển khai chỉ trong vòng một tuần.
Khoảng 8 phút rưỡi sau khi phóng, tầng đẩy thứ nhất của tên lửa - có mã hiệu B1058 - đã tách ra và hạ cánh nhẹ nhàng xuống sà lan không người lái "Just Read the Instructions" đậu trên Đại Tây Dương, đánh dấu chuyến bay và lần thu hồi thứ 6 của thiết bị.
Trước đây, B1058 đã được sử dụng trong các sứ mệnh Demo-2, ANASIS-II, Starlink (lô thứ 12), Dragon C208 và cuối cùng là Transporter-1. Sứ mệnh Starlink thứ 21 chỉ cách vụ phóng Transporter-1 45 ngày, một kỷ lục mới về tốc độ tái sử dụng tầng đẩy thứ nhất của tên lửa Falcon 9. Kỷ lục cũ thuộc về tầng đẩy có mã hiệu B1059 với thời gian "xoay vòng" giữa hai lần phóng gần nhất là 59 ngày.
SpaceX còn nhiều mục tiêu tham vọng khác trong năm nay, bao gồm việc triển khai hai sứ mệnh không gian liên tiếp với Falcon 9 trong vòng 24 giờ và cột mốc 10 lần bay với một tầng đẩy của tên lửa. Tầng đẩy B1049 hiện giữ kỷ lục tái sử dụng nhiều nhất với 8 lần bay mà không cần đại tu.
Với lô vệ tinh thứ 21 được đưa lên quỹ đạo thành công, SpaceX đã nâng tổng số thiết bị trên mạng lưới Starlink lên 1.265 chiếc, trong đó có hai vệ tinh thử nghiệm không hoạt động. Công ty sắp hoàn thành mục tiêu ban đầu là đưa 1.440 vệ tinh Starlink lên quỹ đạo, nhưng vẫn đang tìm kiếm sự chấp thuận để phóng thêm hàng chục nghìn vệ tinh nữa để phủ sóng Internet tốc độ cao, băng thông rộng trên phạm vi toàn cầu.
Đoàn Dương (Theo Space)