Trong thử nghiệm lửa tĩnh, động cơ được kích hoạt khi phương tiện phóng giữ chặt bằng dây trên mặt đất. Đây là thử nghiệm phổ biến trước khi bay thử. SN8 sẽ thực hiện chuyến bay không người lái thử nghiệm vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11, phóng lên độ cao tối đa khoảng 18 km nếu tất cả theo đúng kế hoạch.
Đó là độ cao lớn nhất mà một nguyên mẫu Starship từng bay tới. Ba phiên bản trang bị một động cơ trước đây chỉ bay tới 150 m, gần đây nhất là hai lần phóng vào tháng 8 và 9/2020 của nguyên mẫu SN5 và SN6. Tương tự SN5 và SN6, SN8 cũng có hình dáng giống silo chứa ngũ cốc. Nhưng phương tiện mới nhất trông giống tàu vũ trụ hơn khi cất cánh nhờ phần chóp hình nón và cánh tà điều hướng ở dọc thân, theo Musk. Những bộ phận này sẽ được lắp đặt sớm sau khi có kết quả của thử nghiệm lửa tĩnh. "Dữ liệu từ 3 động cơ trong thử nghiệm lửa tĩnh sáng nay rất khả quan. Chúng tôi đang tiến tới lắp chóp hình nón", Musk chia sẻ.
Các nguyên mẫu đều giúp điều chỉnh thiết kế cuối cùng của Starship với 6 động cơ Raptor, 3 động cơ dùng trên Trái Đất giống như ở nguyên mẫu SN8 và 3 động cơ "chân không" với ống phun lớn hơn được tối ưu hóa để dùng trong không gian. Tàu Starship cao 50 m sẽ rời khỏi Trái Đất trên lưng tên lửa đẩy khổng lồ mang tên Super Heavy lắp 30 động cơ Raptor. Cả tàu và tên lửa đều có thể tái sử dụng đầy đủ và nhanh chóng.
SpaceX lên kế hoạch sử dụng Starship và Super Heavy cho tất cả nhu cầu bay vũ trụ, từ phóng vệ tinh tới chở người và hàng hóa đến Mặt Trăng, sao Hỏa và nhiều địa điểm xa xôi khác. Ví dụ, Starship sẽ cung cấp dịch vụ hạ cánh có người lái xuống Mặt Trăng trong chương trình Artemis của NASA với mục tiêu đưa hai phi hành gia tiếp đất ở cực nam năm 2024. Động cơ Raptor cũng phù hợp để thuộc địa hóa sao Hỏa. Động cơ này sử dụng nhiên liệu oxy lỏng và methane, có thể sản xuất bằng tài nguyên có sẵn trên hành tinh đỏ.
An Khang (Theo Space)