Theo thống kê từ CDC, tuần từ 21 đến 25/6 ghi nhận 12 ca mắc. Các tuần trở về trước có số mắc lần lượt là 35, 27, 19 và 11 ca.
Cộng dồn từ đầu năm đến 24/6, thành phố ghi nhận 194 ca mắc, số ca tăng nhanh trong một tháng trở lại đây. Trong đó các quận, huyện ghi nhận số mắc cao gồm Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoài Đức, Nam Từ Liêm.
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc CDC Hà Nội, nhận định dịch sốt xuất huyết đang được kiểm soát. Tuy nhiên, thời gian tới, thành phố có thể sẽ ghi nhận thêm các ca mắc mới.
Thời tiết đang vào giai đoạn xuân hè, khí hậu nồm ẩm thuận lợi cho nhiều dịch bệnh phát sinh, trong đó bệnh sốt xuất huyết đã vào mùa. Sốt xuất huyết lưu hành hàng năm, cứ 4 năm có một lần bùng phát mạnh, năm 2021 đúng vào chu kỳ này. Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại các ổ dịch, ghi nhận chỉ số côn trùng gây bệnh cao.
Sở Y tế Hà Nội ngày 22/6 đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã tăng cường phòng, chống sốt xuất huyết. Các trung tâm y tế giám sát chặt chẽ, xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết tại địa phương. Các địa phương chủ động xác định khu vực có nguy cơ cao để tổ chức diệt bọ gậy, phun hóa chất phòng dịch. Người dân cần giữ vệ sinh môi trường, dùng các biện pháp diệt muỗi, ngủ màn, mặc quần áo dài tay ngay cả ban ngày và vệ sinh ăn uống sạch sẽ, để phòng bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Vân, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Hữu Nghị, khuyến cáo người mắc bệnh nên đi khám ngay nếu có các dấu hiệu gồm sốt kèm theo bồn chồn, kích thích vật vã hoặc li bì; tăng nôn; đau bụng đột ngột; tiểu ít, số lần đi ít hơn, số lượng giảm hơn; chảy máu ở chân răng, chảy máu cam... Bác sĩ sẽ đánh giá thêm các triệu chứng, biến chứng để có phương án xử trí phù hợp. Người cao tuổi, người có bệnh lý nền nên đi khám sớm khi bị sốt do dễ có những diễn biến bất thường, trở nặng khó kiểm soát.
Người dân không nên tự ý truyền dịch khi bị sốt. Khi cần truyền dịch, bác sĩ sẽ chỉ định và theo dõi sát tốc độ truyền để tránh sốc. Người bị sốt xuất huyết chú ý uống nhiều nước, bù điện giải như uống oresol để tránh bị thoát huyết tương nặng, cô đặc máu.
Người bệnh nên sử dụng các loại nước trái cây, nước quả ép (như cam, bưởi, nước chanh, nước dừa) chứa nhiều khoáng chất và vitamin tăng cường sức đề kháng, giúp thành mạch bền tốt hơn sẽ làm tình trạng bệnh sớm được cải thiện hơn. Các thức ăn dạng lỏng và mềm như cháo, soup, sữa được khuyến khích, tránh ăn cơm, thức ăn cứng khó nuốt dễ gây chảy máu.
Chi Lê