Những dãy tàu như vậy trải khắp sông Madeira rộng lớn tại Autazes, bang Amazonas, Brazil, vừa không ngừng hút cát từ dưới đáy sông để đãi vàng, vừa xả thải trực tiếp ra môi trường.
"Chúng tôi đếm được không dưới 300 chiếc. Họ ở đó ít nhất đã hai tuần mà chính phủ không làm gì cả", Danicley Aguiar, nhà hoạt động bảo vệ môi trường của tổ chức Hòa bình Xanh Brazil, nói.
Cơn sốt vàng rộ lên sau khi có tin đồn một số người tìm thấy vàng ở khúc sông này. Sông Madeira dài khoảng 3.300 km từ thượng nguồn ở Bolivia, qua rừng nhiệt đới Brazil rồi chảy vào sông Amazon.
Tàu bè nạo hút vàng neo đậu trên lưu vực sông từ Humaita, nơi hoạt động khai thác vàng trái phép đang gia tăng, cho tới Autazes, một quận thuộc thành phố Manaus, thủ phủ bang Amazonas, cách đó khoảng 650 km. Không lực lượng chức năng nào can thiệp, khi các cơ quan đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.
Phát ngôn viên cơ quan bảo vệ môi trường Ibama của Brazil cho rằng giám sát hoạt động hút cát trái phép trên sông Madeira không thuộc trách nhiệm của chính phủ liên bang, mà thuộc về chính quyền bang Amazonas và sở môi trường IPAAM của bang.
Trong khi đó, IPAAM lại tuyên bố thuyền bè neo đậu trên sông thuộc quyền quản lý của chính phủ và do cảnh sát liên bang giám sát. Trách nhiệm xử lý vi phạm về giao thông đường thủy và gây ô nhiễm sông thuộc về hải quân Brazil, IPAAM cho hay.
Cục Khai khoáng Quốc gia (ANM), đơn vị cấp phép cho hoạt động nạo hút đáy sông, lại cho rằng họ chỉ có trách nhiệm giám sát các hoạt động khai thác hợp pháp, còn xử lý hành vi khai thác trái phép thuộc thẩm quyền của cảnh sát và tòa án.
Cảnh sát liên bang Brazil cho hay đang cân nhắc biện pháp tốt nhất để xử lý vấn đề chồng chéo trách nhiệm này và ngăn phá hoại môi trường.
"Như thể không ai quản lý dòng sông, ai muốn làm gì thì làm. Không cơ quan chức năng nào làm bất kỳ điều gì để ngăn chặn nạn đãi vàng trái phép, vốn nhức nhối từ lâu ở Amazon", Aguiar nói.
Hồng Hạnh (Theo Reuters)