![]() |
Các công trình xây dựng đang bị ảnh hưởng do giá thép tăng. |
Anh T. cho biết, dự án cảng Cái Lân, giá thép chào thầu (đã tính các chi phí) khoảng 6,4-6,9 triệu đồng/tấn, trong khi hiện nay riêng thép bán ra tại các nhà máy đã lên tới trên 8 triệu đồng/tấn. Nếu tính cả phí vận chuyển, nhân công... chủ đầu tư phải chi ra 9,5 triệu đồng/tấn.
Theo Bộ Công nghiệp, năm nay, VN cần 3 triệu tấn thép trong khi khả năng chỉ có thể sản xuất 750.000 tấn. Bộ khuyến khích các doanh nghiệp tận dụng mọi nguồn lực để đưa sản lượng lên 1 triệu tấn. |
“Chưa năm nào giá thép lại liên tục biến động và tăng cao như hiện nay...”, anh T. than thở. Chỉ trong vòng một tháng đầu năm 2004, giá thép đã tăng xấp xỉ 1 triệu đồng/tấn so với tháng trước và khoảng 2 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ năm trước.
Theo một kỹ sư Công ty tư vấn xây dựng dầu khí, với tốc độ tăng giá thép như hiện nay, các dự án chỉ định thầu còn "dễ thở" vì có thể xin điều chỉnh hợp đồng. Với các công trình đã đấu thầu, muốn có lãi nhà đầu tư phải bù chéo giá các nguyên liệu, thậm chí phải tính chuyện nhập thép giá rẻ và như vậy chất lượng công trình sẽ bị ảnh hưởng.
Về phía các nhà sản xuất, họ cho biết, giá bán thép trung bình 8,2 triệu đồng/tấn như hiện nay chỉ để giảm lỗ. Giá phôi thép nhập khẩu hiện lên tới 450-460 USD/tấn, tính cả thuế và phí vận chuyển là 500 USD/tấn - mức cao nhất trong vòng 20 năm qua. Sau khi cộng các chi phí sản xuất, giá thép xây dựng bán ra phải lên tới 8,7 triệu đồng/tấn.
Nhiều doanh nghiệp đã tính đến chuyện tạm ngừng sản xuất. "Nếu đóng cửa nhà máy, chi phí cho các khâu quản lý, lương công nhân, khấu hao thiết bị vào khoảng 1 tỷ đồng/tháng nhưng muốn tiếp tục sản xuất, duy trì thị trường, công ty phải chịu lỗ 10 tỷ đồng", ông Chu Quang Vũ, Giám đốc nhà máy thép Hòa Phát nói.
Được lợi nhất trong thời gian này là các cửa hàng kinh doanh. Theo số liệu từ Hiệp hội Thép VN, sức tiêu thụ thép trong tháng 1 rất lớn trong khi nhiều công trình xây dựng cũ ngừng nghỉ Tết, các công trình mới chưa bắt đầu. "Do giá bán ra hiện nay thấp hơn giá thành sản xuất nhiều đại lý sẵn sàng lấy hàng với số lượng lớn chờ giá lên kiếm lời", ông Phạm Chí Cường, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép VN cho biết.
Để đối phó với diễn biến bất thường trên thị trường thép, Hiệp hội Thép VN đã khuyến cáo các công ty duy trì sản lượng phôi nhập, đồng thời hạn chế cung cấp thép tập trung cho vài đầu mối nhằm hạn chế khả năng đầu cơ của các đại lý.
Tại cuộc họp ngày 11/2 của Tổ điều hành thị trường trong nước, Tổng công ty Thép VN và Hiệp hội Thép VN, một loạt biện pháp nhằm ổn định thị trường đã được đưa ra mổ xẻ. Giải pháp cho phép nhập thép phế liệu về để sản xuất phôi khó thực hiện bởi vấp phải những quy định về môi trường của Bộ Tài nguyên. Khả năng cho phép nhập khẩu thép thành phẩm cũng không khả thi bởi giá thép của các nước trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc hiện vào khoảng 500 USD/tấn, nếu giảm thuế nhập bằng 0 thì sau khi tính chi phí vận chuyển giá bán cũng tương đương thép trong nước.
Giải pháp hữu hiệu nhất là đầu tư cho sản xuất phôi bởi khi ấy VN sẽ tự chủ được nguồn nguyên liệu. Hiện cả nước mới có 3 nhà máy sản xuất phôi là gang thép Thái Nguyên, Đà Nẵng và Thép miền Nam, đáp ứng được 10% nhu cầu trong nước, trong khi trữ lượng quặng của VN rất lớn. "Vấn đề này đã được bàn thảo mãi nhưng chưa có tiến triển gì. Các dự án khai thác quặng phải được Nhà nước hỗ trợ bởi chi phí lớn và chưa thấy được lợi ích ngay", ông Vũ nói.
Theo nhận định của Hiệp hội thép VN, giá thép còn tiếp tục tăng trong thời gian tới bởi nhu cầu tiêu thụ trên thế giới đang tăng mạnh, đặc biệt là Trung Quốc do tập trung đầu tư xây dựng các công trình phục vụ Olympic 2008. Ngoài ra, những quốc gia cung cấp phôi và các nguyên liệu thép chủ lực lại xiết chặt đầu ra. Nga - “mỏ thép” lớn nhất của thế giới - đã nâng thuế xuất khẩu phôi thép lên 30 USD/tấn so với mức dưới 10 USD/tấn như trước đây.
Trong khi đó, lượng phôi nhập về VN hiện chỉ đủ duy trì sản xuất đến hết tháng 4. "Giá thép trong nước sẽ tăng tiếp, cái khó là điều chỉnh như thế nào để khách hàng không bị sốc, tiếp tục duy trì được sức tiêu thụ trên thị trường...”, một nhà sản xuất thép nói.
Phong Lan