Nhìn hàng loạt giàn xáng cạp đậu trên sông Hậu do cắt giảm, chủ doanh nghiệp vật liệu xây dựng ở An Giang cho biết, hiện mua bán cát tại các mỏ gần như đóng băng vì giá quá cao. Cát san lấp tại mỏ là 120.000-130.000 đồng mỗi m3, cộng chi phí vận chuyển, giá về tới công trường ở Cần Thơ, Hậu Giang chừng 320.000-330.000 mỗi m3, tăng 60.000-70.000 đồng so hai tuần trước.
Theo một doanh nghiệp xây dựng tại tỉnh Vĩnh Long, nhiều ngày nay sà lan của đơn vị phải ngưng hoạt động vì không có nơi để lấy cát. Hai tuần trước sà lan chở hàng cập bến, chưa tính tiền bốc dỡ, giá cát san lấp là 200.000 đồng mỗi m3, nay lên 270.000 đồng m3, trong khi giá trúng thầu cố định, rất khó tăng.
Tình trạng thiếu hàng cũng xảy ra đối với cát xây dựng. Hiện mỗi m3 cát xây tô có nguồn gốc Campuchia, được đưa từ cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương (An Giang) về tới Cần Thơ là 280.000 đồng, vận chuyển tới công trình là 380.000 đồng, tăng 70.000 đồng so với nửa tháng trước.
Theo các doanh nghiệp xây dựng, nguồn cung cát ở miền Tây chững lại, giá nhảy múa trong nửa tháng qua sau khi Bộ Công an triệt phá đường dây khai thác vượt trữ lượng cấp phép ở An Giang. Một số chủ mỏ cát nhân cơ hội đã găm hàng, đẩy giá tăng cao hơn. Việc này ảnh hưởng nhiều công trình xây dựng, đặc biệt là các dự án cao tốc ở địa bàn đang cần đẩy nhanh tiến độ.
Một lãnh đạo Ban quản lý dự án ODA ở Cần Thơ cho biết, đơn vị có gần 20 công trình cần cát. Trong đó đáng chú ý là dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn qua TP Cần Thơ dài 37 km (vốn đầu tư 9.700 tỷ đồng) cần khoảng 5 triệu m3 cát đắp nền. Thời gian qua các nhà thầu đều phản ánh gặp khó khăn khi giá cát tăng cao, nguồn cung khan hiếm.
"Hồi đầu năm, Thủ tướng đã chỉ đạo An Giang bố trí cho dự án cao tốc hai mỏ cát nhưng đến nay chưa được bàn giao", ông nói và cho biết đơn vị thi công đang đào khuôn đường, lót vải địa kỹ thuật, trong 1-2 tháng tới sẽ cần nguồn cát đắp nền rất lớn.
Ban quản lý dự án Mỹ Thuận vừa có văn bản gửi Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải) về tình trình triển khai dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau do đơn vị này làm chủ đầu tư. Sau gần 8 tháng thi công, đến nay tiến độ dự án đoạn Cần Thơ - Hậu Giang chỉ đạt 8,72% hợp đồng, chậm 5,6%; còn đoạn Hậu Giang - Cà Mau đạt 7,5% hợp đồng, chậm 4,5%.
Theo chủ đầu tư, dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau trì trệ do thiếu nguồn vật liệu cát san lấp. Nhu cầu cát đắp nền đường cho dự án rất lớn trong khi việc thực hiện thủ tục mở các mỏ cát mới rất chậm, khó đáp ứng tiến độ.
Ban quản lý dự án Mỹ Thuận kiến nghị tỉnh An Giang có kế hoạch hỗ trợ nhà thầu 1,1 triệu m3 cát còn lại từ 4 mỏ đã bố trí cho dự án trong tháng 8. Địa phương cần sớm triển khai thủ tục đối với 2,2 triệu m3 cát như dự kiến để đảm bảo cho dự án đủ 3,3 triệu m3 trong năm 2023 như chỉ đạo của Thủ tướng.
Phía Đồng Tháp cũng được chủ đầu tư đề nghị cho tăng công suất trong tháng 8 để cung ứng 0,5 triệu m3 cát cho công trình. Ngoài ra chủ đầu tư mong muốn Đồng Tháp, Vĩnh Long hỗ trợ các nhà thầu, cấp quyền khai thác các mỏ mới trong tháng 8, 9 để phục vụ thi công.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Tháp, toàn tỉnh hiện có 12 giấy phép khai thác cát. Tuy nhiên địa phương chỉ đáp ứng khoảng 40% nguồn cát cho các công trình xây dựng, giao thông ở địa bàn, thiếu 10 triệu m3 so với nhu cầu.
Thực trạng thiếu cát san lấp, xây dựng xảy ra trong bối cảnh các tỉnh miền Tây triển khai nhiều công trình, dự án giao thông trọng điểm. Việc khai thác quá mức nguồn cát cũng gây ra tình trạng sạt lở bờ sông. Trước tình trạng này, ngoài hạn chế cấp phép khai thác mỏ cát, công tác tìm vật liệu bền vững thay thế cũng được bộ ngành và địa phương miền Tây chú trọng.
Chủ doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng ở Cần Thơ cho rằng nguồn cát biển đang rất dồi dào, sau khi sàng rửa, kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn hoàn toàn đáp ứng nhu cầu san lấp nền, xây dựng. Với công nghệ hiện tại, doanh nghiệp của ông đang thực hiện với chi phí sản xuất mỗi m3 cát biển chưa tới 10.000 đồng.
Chủ trương dùng nguồn cát biển dần thay thế cát sông dần cạn kiệt đã được Bộ Giao thông Vận tải đưa ra từ cuối năm trước. Theo bộ này, có ba vị trí mỏ cát biển ở miền Tây đang được quy hoạch. Trong đó, trữ lượng lớn nhất là mỏ tại Sóc Trăng quy mô 13,9 tỷ m3 và hai mỏ ở Trà Vinh 2,1 triệu m3. Hồi đầu năm ngành giao thông đã cho thí điểm mẫu cát biển tại Trà Vinh để xây cao tốc, kết quả đáp ứng yêu cầu.
Ông Hà Huy Anh, Quản lý quốc gia Dự án Quản lý cát bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, nói trong giai đoạn tìm nguồn vật liệu thay thế, nhà thầu cần áp dụng công nghệ xây dựng hiện đại để tiết kiệm tài nguyên cát sông. Chủ đầu tư có thể xây cầu cạn ở dự án cao tốc thay cho đắp nền. Phương án này làm chi phí dự án tăng nhưng bù lại thời gian hoàn thành sớm và chất lượng dự án bền vững hơn.
An Bình - Ngọc Tài