Như những bãi rác khác, khi mới xây dựng người ta thuyết phục cư dân xung quanh rằng rác ở đây xử lý bằng công nghệ cao, đảm bảo môi trường sống trong lành cho bà con. Nhưng bây giờ, đến lúc trở trời, mùi rác vẫn theo gió bao trùm cả xóm, nhà nhà phải đóng kín cửa và không dám ra ngoài.
Xóm có nhiều trẻ con, tổ dân phố kiến nghị lên nhà máy, người ta xin lỗi một vài lần rồi đâu lại vào đó. Dần dần người dân cũng chán, chỉ phàn nàn “công nghệ cao mà thế à” rồi thôi không kiến nghị nữa.
Năm nay, khi cơ quan tôi thực hiện một nghiên cứu về chất thải rắn đô thị, tôi mới biết lời cam kết “công nghệ cao” là có thật. Nhà máy đầu tư bằng vốn ODA, được kỳ vọng tái chế rác thành phân bón hữu cơ, biến rác thành tiền. Công nghệ châu Âu, như người ta nói, nếu vận hành đúng thì hẳn nhiên sẽ không gây ô nhiễm.
Nhưng không may cho nhà máy đó, và nhiều nhà máy khác trên đất nước này, đầu vào cho quá trình xử lý lại là rác Việt Nam: lẫn lộn đủ thứ từ thức ăn thừa, túi nylon, cho đến rác thải kim loại hay ắc-quy hỏng. Chi phí tái phân loại cao, cùng với chi phí vận hành đã cao gấp đôi so với cách làm bình thường, được vài năm bãi rác lại phải quay về cách làm truyền thống: xử lý lộ thiên, tức chôn lấp một cách thủ công.
Một doanh nghiệp FDI, đứng thứ 31 trong danh sách những công ty xử lý chất thải ở Mỹ, cũng kêu trời khi cho chúng tôi xem hệ thống xử lý rác hiện đại đắp chiếu do rác không được phân loại khi thu gom.
Hệ thống xử lý rác đô thị Việt Nam đang đối mặt với một vấn đề chung: rác không được phân loại. Suốt 10 năm qua, người dân thủ đô hẳn đã quen với giọng hát của ca sĩ Lưu Hương Giang phát ra từ những chuyến xe gom rác: “Hãy phân loại rác vì đó là tài nguyên quý giá”. Một lời kêu gọi rơi vào thinh không.
Khi không thể phân loại rác, chúng ta phải chịu đựng mức độ ô nhiễm môi trường ngày càng tăng lên từ bãi rác lộ thiên. Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), tính đến 2010, toàn bộ chất thải rắn của Việt Nam được xử lý bằng hình thức chôn lấp với 157 bãi rác và chỉ có 10,8% trong số đó được coi là bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Chúng ta đang xây một biệt thự lộng lẫy nhưng thiếu nhà vệ sinh.
Và cũng như việc thiếu nhà vệ sinh, đây là vấn đề hết sức cấp bách, bởi lượng rác đô thị tăng theo cấp số nhân với dân số. Ước tính trong vòng 10 năm qua (2004 - 2015), lượng rác đô thị của Việt Nam tăng gần gấp đôi từ 12,8 triệu tấn lên mức trên 20 triệu tấn.
Tròn 10 năm cái gọi là “phong trào 3R” (3 loại rác) ra đời. Tròn 10 năm bài ca “hãy phân loại rác” của vợ chồng nhạc sĩ Hồ Hoài Anh ra rả trên đường phố. Và sau 10 năm, cái thu được đã rất gần với một cuộc khủng hoảng rác.
Một cán bộ tỉnh Bắc Ninh chia sẻ với chúng tôi là có những hôm phải thức trắng đêm để canh không cho xe rác đổ trộm trên tuyến đường 1A mới. Sự cố từ bãi rác Đa Phước hồi giữa năm ở Sài Gòn là sự cảnh báo rõ ràng nhất. Rác không phân biệt giàu-nghèo, khi những người hứng chịu mùi hôi thối là công dân của Phú Mỹ Hưng. Và sự cố rác, khi bắt đầu, sẽ không qua đi trong một ngày: những cuộc khủng hoảng rác xẩy ra ở Naples, Italy hay Lebanon từng kéo dài đến mấy năm trời, kéo theo vô số hệ lụy về sức khoẻ cho người dân.
Người dân thấy bất tiện khi phải phân loại rác theo từng túi riêng, trong khi công ty thu gom mất thêm chi phí, vì buộc phải có hai loại xe chuyên dụng để chở và xử lý từng loại rác khác nhau. Dần dần, hai bên thỏa hiệp với nhau bằng những túi nylon đựng các thể loại rác thập cẩm như trước. Các chuyến xe thu gom cũng thay bản nhạc hứng khởi của Hồ Hoài Anh bằng lời thỉnh cầu tha thiết và... mông lung hơn: “Điều đó tuỳ thuộc hành động của bạn, chỉ thuộc vào bạn mà thôi”.
Một trong những điều có thể làm, là tăng phí môi trường theo số lượng rác thải ra của từng hộ gia đình. Theo số liệu của chúng tôi, chi phí môi trường trên mỗi hộ gia đình ở Việt Nam là 0,1% trên tổng thu nhập, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình 1% trên thế giới. Giá càng rẻ càng khuyến khích người dân đổ nhiều rác.
Ở một khía cạnh khác, cần bỏ cơ chế chi trả cho các công ty thu gom theo kiểu “đếm cân ăn tiền”. Bởi cách làm này, theo nguyên tắc kinh tế, sẽ không khuyến khích họ xử lý rác hiệu quả, bởi cứ có càng nhiều rác thì công ty càng thu lợi, trong khi sẽ triệt tiêu động lực đầu tư trang bị, phương tiện hiện đại để giảm thiểu rác. Chỉ cần một thay đổi nhỏ, ví dụ như bắt các công ty thu gom rác phải trả tiền cho bãi rác theo khối lượng thải, thì tôi tin rằng kết quả sẽ khác đi nhiều.
Sẽ không nói quá khi cho rằng mức độ văn minh của một đất nước được đánh giá qua cách ứng xử với rác. Và để có sự văn minh ấy, chỉ giải quyết bằng mặt chính sách thôi là chưa đủ. Không một ai vô can khi môi trường xuống cấp. Mỗi khi bãi rác gần nhà bốc mùi theo gió, tôi ngửi thấy trong đó một phần trách nhiệm của mình.
Nguyễn Khắc Giang