Thay vì chờ đến bản tin thời sự 19h, hay tìm đọc báo giấy vào mỗi sáng, người dùng sẽ cầm điện thoại "check tin" bất cứ lúc nào tò mò về một sự kiện mới. Một cuộc khảo sát của trung tâm Pew Research năm 2018 cho thấy 48% người Việt lấy nguồn tin từ mạng xã hội, xếp trên cả những nước như Canada hay Australia. Sau đại dịch, con số này có lẽ còn cao hơn.
Cuộc dịch chuyển khổng lồ như thế tất yếu dẫn đến nhiều thay đổi lớn trong xã hội. Với tôi, tác động đáng chú ý nhất là vai trò của mạng xã hội trong việc giám sát nhân viên công vụ. Làm việc cho bộ máy nhà nước là một lợi thế, có thể đem đến các đặc quyền, nhất là ở một số vị trí cấp cao. Nhiều người lợi dụng vị thế đó để mưu cầu lợi ích cho bản thân, hoặc để thể hiện quyền lực với những "thường dân" khác.
Nhưng việc lạm dụng đặc quyền đang dần bị phơi bày trong thế giới của camera hiện nay. Những cảnh sát viên Sóc Trăng có thể vẫn hành hung người vi phạm giao thông một cách trót lọt và không bị kỷ luật; hay anh cán bộ ở Đà Nẵng không bị phát hiện ném tiền lẻ trong quán bún, dẫn đến bị đình chỉ công tác, nếu không có cái camera "mọc lên" ở những chỗ họ lạm quyền.
Về mặt tích cực, bộ máy nhà nước được bổ sung một lực lượng giám sát khổng lồ, hoạt động không ngừng nghỉ 24/7, và gần như miễn phí. Như hai ví dụ ở trên, camera an ninh ghi lại những vi phạm có thể dễ dàng biến hóa thành "hiểu nhầm đáng tiếc" trên văn bản. Người dân có công cụ để đảm bảo quyền lợi của mình, đặc biệt là khi họ nghi ngờ mình bị đối xử bất công. Chính vì vậy, với một số tài xế hiện nay, hành động đầu tiên của họ khi bị công an dừng xe là rút điện thoại ra và bật chế độ ghi âm.
Những câu chuyện như ở Sóc Trăng và Đà Nẵng là lời cảnh báo hiệu quả cho bất kỳ ai có xu hướng lạm dụng quyền lực nhà nước. Việc bị quay phim và đăng lên mạng hành vi không chuẩn mực có lẽ còn đáng sợ hơn bị kiểm điểm trước đơn vị.
Nhưng quyền lực không được kiểm soát luôn có vấn đề, mạng xã hội cũng vậy. Trong một thế giới mà ai cũng có thể là điều tra viên, và hàng triệu người xem là quan tòa, tin giả trở thành nguy cơ lớn nhất. Áp lực câu view khiến tin giật gân và chưa kiểm chứng lên ngôi. Nhiều thế lực có thể thao túng môi trường phức tạp của mạng xã hội phục vụ cho mục đích của mình, như vụ can thiệp cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và trưng cầu dân ý Brexit ở Anh trong năm 2016.
Quản lý nội dung trên mạng không hề dễ. Tôi thử lấy một ví dụ nhỏ: mỗi một phút có khoảng 30 nghìn giờ nội dung video được tải lên YouTube. Nghĩa là bạn cần dành 1.250 ngày để xem số video đó. Không có một hệ thống kiểm duyệt bằng sức người nào đủ khả năng làm điều này.
Lo ngại đó dẫn tới mong muốn chung của những nhà làm luật là siết chặt quản lý bằng những công cụ hành chính. Đây là mong muốn dễ hiểu, và hợp lý trong nhiều trường hợp. Tuy nhiên, như cầu quản lý nên được thực hiện theo cách giảm thiểu việc can thiệp vào quyền giám sát của người dân.
Thứ nhất, mặt trái của mạng xã hội hoàn toàn có thể khắc chế để khiến nó hữu ích hơn. Nếu tận dụng tốt, mạng xã hội giúp bộ máy nhà nước vận hành hiệu quả, minh bạch, và gần gũi với người dân hơn. Cũng là câu chuyện về cảnh sát, Đà Nẵng bắt đầu tiếp nhận tố giác vi phạm giao thông qua Facebook từ đầu năm nay. Bộ máy nhà nước muốn vận hành hiệu quả thì không thể chỉ dựa vào quyết tâm chính trị hay ý chí hành chính. Việc giám sát bằng quyền lực không thể thay thế quyền lực của giám sát.
Thứ hai, trong bất kỳ thể chế nào, người dân luôn ở thế yếu so với bộ máy nhà nước. Để áp chế ý kiến của công chúng thì dễ, nhưng lấy được niềm tin thì khó. Niềm tin của người dân - nền tảng để xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa - là nội dung được thảo luận tại Hội nghị Trung ương 6 vừa qua. Để có được điều này, ngoài minh bạch, nhà nước cần tạo điều kiện tối đa để người dân giám sát bộ máy hoạt động của mình.
Thứ ba, giám sát chỉ là nguyên liệu đầu vào cho yêu cầu quan trọng hơn: cải thiện hiệu quả của bộ máy nhà nước. Trừng phạt và răn đe cán bộ vi phạm giải quyết được bức xúc tạm thời, nhưng nếu sự việc chỉ dừng ở đó, hệ thống sẽ vận hành theo cách tương tự cho tới khi vi phạm khác xuất hiện.
Tự giác luôn là công cụ giám sát tốt nhất. Nhưng khi điều lý tưởng đó không dễ dàng đạt được ở bất cứ xã hội nào thì những công cụ, được thời đại công nghệ cung cấp, như camera, là phương tiện vừa giúp người dân tăng sức mạnh giám sát của mình; vừa giúp chính quyền sàng lọc, chuẩn hóa đội ngũ.
Vấn đề còn lại là bên nào sẵn sàng sử dụng những công cụ giám sát này theo cách hiệu quả nhất.
Nguyễn Khắc Giang