Căn nhà cấp bốn xây trên khu vườn rộng gần 2.000 m2 của gia đình ông Phạm Công Biên, 63 tuổi, thôn Văn Sơn, xã Đỉnh Bàn (huyện Thạch Hà) đã cũ nát, nhưng nhiều năm nay ông không dám sửa chữa hay cơi nới.
Khu vực này thuộc diện giải tỏa nhường đất cho dự án mỏ sắt Thạch Khê vào năm 2006. Đến năm 2008, chủ đầu tư đưa máy móc về khai thác mỏ, ông Biên bàn giao thêm hai sào đất ruộng và đã nhận tiền đền bù hơn một sào.
"Lúc đó chính quyền nói với gia đình tôi là hãy chuẩn bị tinh thần đi tái định cư, cuộc sống nơi mới sẽ tốt hơn. Tưởng sướng hóa ra khổ vì 15 năm qua gia đình 7 người sống trong căn nhà ọp ẹp, không dám sửa chữa, cơi nơi vì thuộc diện tích quy hoạch mỏ sắt", ông Biên nói.

Ông Biên bên bể nước nhiễm phèn của gia đình. Ảnh: Đức Hùng
Giai đoạn 2006 - 2008, để lấy đất phục vụ dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, tỉnh Hà Tĩnh lên kế hoạch di dời gần 4.000 hộ dân vùng bãi ngang thuộc 5 xã ven biển của huyện Thạch Hà gồm: Thạch Khê, Đỉnh Bàn, Thạch Hải, Thạch Trị và Thạch Lạc đến khu tái định cư. Sau 15 năm, chỉ hơn 100 hộ được chuyển đi nơi khác; 4.821 ha đất dự kiến sử dụng mới giải phóng được 839 ha, trong đó hơn 741 ha đã hoàn thành ở khu vực mỏ và 89 ha tại các khu tái định cư.
Gia đình ông Biên nằm trong số hàng nghìn hộ dân khu vực quy hoạch "treo" mỏ sắt. Ông cho hay trước khi mỏ sắt chưa khai thác, nước sinh hoạt múc lên từ giếng khơi và bơm tại giếng khoan rất trong. Từ ngày dự án hoạt động (năm 2008), cây cối khu vực xung quanh khô héo do bị tụt mạch nước ngầm và nguồn nước ô nhiễm.
Từ năm 2011, khi mỏ sắt tạm đóng cửa, dừng khai thác do gặp nhiều vướng mắc, cây cối dần xanh tốt trở lại, nhưng ruộng đồng nhiều nơi đã tạo thành vũng và hố sâu, nước bên dưới đục ngầu, mỗi lần gió lớn thổi cát bay mù mịt.
Hàng chục gia đình ở thôn Văn Sơn phải mua máy về lọc nước dùng sinh hoạt hàng ngày. Ông Biên chọn cách xây bể xi măng, bơm nước vào và cho phèn lắng xuống để sử dụng. "Vẫn biết dùng nước nhiễm phèn nấu ăn sẽ có hại cho sức khỏe, nhưng không còn cách nào khác. Trước đây còn ruộng vườn, tiền hoa màu cộng với đi làm thợ xây giúp tôi đủ trang trải, còn từ ngày giao ruộng thì rất vất vả", ông Biên chia sẻ.
Cũng do nằm trong khu vực quy hoạch mỏ sắt, nhiều năm qua, thôn Văn Sơn thuộc diện "ba không" là không được đầu tư hạ tầng giao thông, không xây nhà văn hóa, không xây dựng nông thôn mới. Tuyến đường liên xã dài gần 2 km chạy qua thôn Văn Sơn và đi vào khu vực mỏ sắt đã xuống cấp, rác thải chất thành từng đống cao khoảng một mét, ruồi nhặng bám đầy.
"Nơi tôi ở chỉ cách thành phố Hà Tĩnh chưa tới 10 km nhưng cứ như vùng sâu vùng xa", ông Biên nói.
Người dân các xã vùng bãi ngang huyện Thạch Hà - nơi thuộc phạm vi khai thác của mỏ sắt, chủ yếu sống bằng nghề đi biển. Nhiều hộ sau khi được di dời lên các khu tái định cư cách mỏ khoảng 3 đến 5 km đã bỏ nghề biển, làm công việc khác như phụ hồ, giúp việc, hàn xì, bán tạp hóa... để mưu sinh. Thu nhập bấp bênh, gần đây một số gia đình ở xã Đỉnh Bàn đã xin phép chính quyền cho "về sống tại những ngôi trước kia nhường cho dự án, nhưng chưa giải tỏa". Họ bảo "mỏ sắt không thấy khai thác, cho chúng tôi về nhà cũ để trồng rau, nuôi gia cầm và ra khơi cho tiện, khi nào dự án hoạt động trở lại thì rời đi".
Nhà anh Nguyễn Hữu Thành, 27 tuổi, trú thôn Bắc Lạc, xã Thạch Lạc - cách mỏ sắt 5 km, được quy hoạch di dời từ năm 2007, dự kiến hết năm 2017 sẽ xong. Nay quá thời hạn bốn năm, công trình vẫn nằm yên. Nhà cấp bốn rộng hơn 120 m2, bên trong có bốn phòng, là nơi sinh hoạt của 12 người, gồm: mẹ, vợ chồng anh Thành cùng ba con, gia đình hai em trai và các cháu. Khu đất rộng 500 m2 nhiều năm qua chưa được cấp bìa đỏ, anh Thành không dám xây thêm công trình mới.

Căn nhà cấp bốn của gia đình anh Thành là nơi sinh sống của 12 người. Ảnh: Đức Hùng
"Sinh hoạt chung rất bất tiện. Nhiều lúc các thành viên trong gia đình không vừa lòng, xảy ra xích mích chỉ vì nhà chật", anh Thành kể và cho hay hai vợ chồng từng bàn chuyển đi nơi khác, song không có tiền, vì một miếng đất đủ diện tích làm nhà ở nơi khác giá 400-500 triệu đồng.
Xã Thạch Lạc có hơn 1.000 hộ dân trong hoàn cảnh tương tự anh Thành, bị ảnh hưởng bởi quy hoạch dự án mỏ sắt nên đất đai không thể cấp bìa đỏ, chuyển đổi hay tách bìa làm nhà. Từ năm 2019 đến nay, nhiều người đã "liều" xây nhà mới, cải tạo công trình khi chưa được sự cho phép của chính quyền.
"Dừng hay tiếp tục khai thác mỏ sắt Thạch Khê, tôi rất muốn biết câu trả lời sớm từ chính quyền để ổn định cuộc sống", anh Thành nói.
Phó chủ tịch UBND huyện Thạch Hà, ông Nguyễn Quốc Hương cho biết từ năm 2015 đến nay, chính quyền chủ trương cho người dân xây nhà tạm trên diện tích đất hiện có với yêu cầu "khi mỏ sắt tái khởi động thì phải trả lại mặt bằng". Tuy nhiên, nhiều gia đình chưa biết số phận dự án mỏ sắt ra sao nên không dám quyết xây nhà mới, chấp nhận thực tại "sống treo".
"Đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được một lộ trình nào về việc giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư cho những hộ dân trong diện di dời. Vướng phải quy hoạch, các xã vùng bãi ngang thụt lùi về kinh tế, nhiều việc bị đình trệ. Mong Trung ương sớm quyết định chấm dứt dự án khai thác mỏ sắt để huyện xác định lại mục tiêu phát triển, cuộc sống người dân đỡ khổ", ông Hương nói.

Khu vực mỏ sắt nay bỏ hoang, nhà chức trách đã cắm biển cảnh báo người dân không được vào. Ảnh: Đức Hùng
Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê có diện tích 4.821 ha, trữ lượng khoảng 544 triệu tấn, được đánh giá là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á; triển khai năm 2008, tổng vốn đầu tư khoảng 14.500 tỷ đồng, vòng đời khai thác hơn 50 năm, với sự tham gia của nhiều cổ đông, trong đó có Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin)... Năm 2011, dự án phải tạm dừng để cơ quan quản lý thẩm định lại thiết kế kỹ thuật, tái cơ cấu cổ đông.
Gần đây, tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị Bộ Kế hoạch & Đầu tư báo cáo, đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét chấm dứt dự án trước tháng 5/2021. Lãnh đạo Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Tĩnh cho hay tỉnh muốn đóng mỏ ít nhất đến năm 2070, để điều chỉnh hạ tầng theo hướng phát triển du lịch.