Ông ngoại của tôi sống thọ 84 tuổi. Ông có bảy người con, ba trai bốn gái. Thời ông bà tôi trồng lúa, các công đoạn gieo mạ, dặm lúa, gặt, phơi thóc... đều thực hiện bằng tay mà không có sự trợ giúp của máy móc. Thế nhưng ông bà đã cùng nhau vượt qua rất nhiều gian khó, làm ruộng để nuôi đàn con đến khi dựng vợ gả chồng.
Cả đời làm ruộng, số lần ông bước ra khỏi quê nhà được đếm trên đầu ngón tay. Ông không biết đi xe máy, muốn đi đâu ông gọi con cháu chở. Ông có một thú vui duy nhất: ngắm nhìn chiếc đồng hồ quả lắc mà ông mua được khi còn trẻ. Bà ngoại tôi thì niềm vui bé nhỏ mỗi ngày chỉ là ăn trầu. Những niềm vui bé nhỏ là thế nhưng trong ký ức, tôi thấy ông bà sống một cách hồn nhiên, lạc quan và vui vẻ đến tận lúc qua đời.
>> Bốn cách tối giản cuộc sống của tôi
Cuộc sống bây giờ của các cậu, các dì, các anh em họ của tôi tiện nghi hơn, phủ đầy vật chất máy móc hơn. Nhưng tôi không tìm thấy nét vui vẻ, lạc quan trên gương mặt họ giống như ông bà ngày trước. Tôi hoài nghi rằng liệu chính sự đầy đủ tiện nghi, giàu vật chất hơn lại khiến chúng ta có cuộc sống không thoải mái bằng thế hệ cha ông ngày trước?
Ngay cả bản thân tôi cũng vậy, nhà cửa khang trang hơn, tiêu chuẩn sống cao hơn, đi đây đi đó nhiều hơn nhưng một năm 365 ngày hiếm có được vài ngày thật sự vui vẻ. Bởi cuộc sống bây giờ là một chuỗi ngày làm việc liên tục. Làm việc để có tiền duy trì cuộc sống "tiện nghi". Đi kèm đó là nỗi sợ thất nghiệp, sợ gia đình không có tiền xài, sợ không tìm được việc, sợ tìm được việc nhưng lương thấp...
Rồi từ đó, nỗi sợ kéo theo những điều khác không chỉ tôi mà nhiều người cũng mắc phải: sợ không được đi du lịch định kỳ hàng năm, sợ thua kém bạn đồng trang lứa, sợ đẻ con, sợ con cái thiệt thòi...
Tôi nhận ra rằng cuộc sống ngột ngạt, áp lực mà nhiều người than vãn đến từ sự duy trì và theo đuổi những nấc cao hơn của những tiện nghi, vật chất bao quanh: Khi bạn kiếm được 10 triệu đồng mỗi tháng, bạn hài lòng với ly cà phê vỉa hè 10 nghìn. Nhưng khi thu nhập lên mức 30 triệu, bạn sẽ tìm đến những quán sang chảnh hơn với giá mỗi ly là 70 nghìn đồng. Khi bạn kiếm được 20 triệu đồng mỗi tháng, bạn để ý đến chiếc xe tay ga bạn ao ước khi lương còn thấp. Nhưng khi kiếm được 40 triệu đồng, bạn sẽ mơ tưởng đến ôtô. Khi bạn kiếm được 50 triệu đồng mỗi tháng, bạn sẽ coi việc mặc áo quần giá dưới một triệu đồng là keo kiệt với bản thân...
>> 'Lối sống tối giản chỉ phù hợp với người độc thân'
Chính vì nhận ra điều này, tôi và gia đình đã sống tối giản hơn để tìm về hạnh phúc như cha ông ngày trước. Tối giản ở đây là biết đủ, không chạy theo những nấc thang vô tận của nhu cầu. Thu nhập tăng lên, tôi vẫn sống như trước. Khi thấy gia đình không tiêu xài nhiều, con cái tự lập, tôi chủ động giảm thu nhập để cuộc sống hướng về bên trong hơn.
Tôi thấy nếu chúng ta hài lòng và biết đủ thì cuộc sống không hề khó khăn. Thời bây giờ, có nhiều lựa chọn nghề nghiệp để nuôi sống gia đình hơn. Ai muốn làm nông thì có sẵn hàng tá máy móc, từ máy xịt thuốc rầy đến máy gặt đập liên hợp. Đến ngày mùa chỉ việc ra ruộng đếm tiền bán lúa cho thương lái mà thôi. Ai muốn làm văn phòng máy lạnh thì đi bằng con đường học hành. Cùng lắm là với một chiếc xe máy cũng có thể kiếm tiền bằng cách chạy xe ôm công nghệ, làm shipper.
Trọng Phước
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.