Thứ tư tuần giữa tháng 3 là hạn chót để các khách sạn ở Tây Ban Nha đóng cửa theo yêu cầu của chính phủ. Nhưng từ hai tuần trước đó, các khách sạn đã hoàn toàn vắng bóng khách và không có một đơn đặt phòng mới nào.
"Như một cơn sóng thần quét qua. Hoặc như một thiên thạch rớt xuống trái đất nhưng chúng ta vẫn còn sống để xem những gì tiếp diễn", Ramon Estalella, người của Liên đoàn Khách sạn Tây Ban Nha nói.
Ngay khi lệnh phong tỏa bắt đầu có hiệu lực vào 14/3, hơn 10.000 quán bar và khách sạn ở Barcelona bị giáng một đòn chí tử. Trước đó là hàng loạt sự kiện bị hủy bỏ. Đầu tiên là Triển lãm di động thế giới, khiến thành phố này mất đi 500 triệu euro. Những năm trước, trong 4 ngày diễn ra triển lãm, du khách khó lòng tìm được một phòng khách sạn hay bàn ăn còn trống. Đại dịch cũng khiến nhiều lễ hội nổi tiếng ở Tây Ban Nha bị hủy như Las Fallas ở Valencia, diễu hành Holy Week ở Andalucía...
Du lịch chiếm 11% GDP của đất nước nổi tiếng với những bờ biển ấm áp và lễ hội đấu bò này. Estalella nói rằng, ngành công nghiệp khách sạn ở Tây Ban Nha đã vượt qua khủng bố, suy thoái kinh tế và các thảm họa thiên nhiên trong quá khứ, nhưng chẳng có khủng hoảng nào như Covid-19. Đây là khủng hoảng tồi tệ nhất sau Chiến tranh thế giới thứ hai. "Chúng tôi chưa từng thấy có thứ gì đó khiến thế giới bế tắc như hiện tại và khiến mọi người phải ở trong nhà như thế này. Tình cảnh hiện nay khác biệt với tất cả trong quá khứ", ông nói.
Covid-19 cũng nhấn chìm ngành du lịch Italy, chỉ trong tháng 3, ước tính 200 triệu euro doanh thu khách sạn bị hủy, theo hiệp hội du lịch nước này. "Trong lịch sử, chưa bao giờ du lịch Italy rơi vào khủng hoảng như vậy. Đây là thời điểm đen tối nhất", ông Vittorio Messina, chủ tịch hiệp hội du lịch nhấn mạnh. Số lượng đặt chỗ cũng giảm mạnh cho đến tháng 6.
Theo ông Messina, du lịch đóng góp 13% GDP vào nền kinh tế đất nước hình chiếc ủng. "Nếu khủng hoảng dịch bệnh vẫn kéo dài, hàng nghìn doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, sẽ mất thanh khoản và cuối cùng phá sản", ông chia sẻ.
Khu vực Lombardy chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch bệnh, chỉ trong vài ngày, du lịch – ngành kinh tế quan trọng nhất của khu vực – bị virus quật ngã. Du khách hoàn toàn biến mất, để lại nhiều điểm đến không gian hoàn toàn trống rỗng.
Trong khi đó, Hiệp hội du lịch Mỹ dự báo Covid-19 khiến 6 triệu người làm việc trong ngành du lịch mất việc tính tới cuối tháng 4. Chỉ riêng việc thất nghiệp trong lĩnh vực du lịch có thể đẩy tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ tăng từ 3,5% trong tháng 2 lên 7,1% trong tháng 4.
"Khủng hoảng do virus lên ngành du lịch là rất nặng nề. Những con số thiệt hại nói lên một điều: doanh nghiệp du lịch cần được cứu trợ khẩn cấp. 83% doanh nghiệp du lịch là vừa và nhỏ, nếu được cứu trợ họ có thể tiếp tục trả lương cho nhân viên. Nếu không, người lao động sẽ thất nghiệp và không biết khi nào có thể quay lại làm việc", ông Roger Dow, chủ tịch Hiệp hội du lịch Mỹ, phát biểu.
Tổng doanh thu trong ngành du lịch Mỹ, bao gồm nhà nghỉ, bán lẻ, nhà hàng, vận chuyển, tham quan sẽ giảm 78% trong hai tháng tới và khiến 400 tỉ USD mất đi trong năm 2020. Hôm thứ ba tuần trước, Chris Nassetta, Giám đốc điều hành Hilton, cho biết chỉ riêng việc mất thị trường khách Trung Quốc và đóng cửa nhiều khách sạn trên toàn cầu khiến tập đoàn "bay mất" 25 – 50 triệu USD. Hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng từ 6 – 12 tháng. Riêng tại Trung Quốc, Hilton đã đóng cửa 150 khách sạn.
Trên quy mô toàn cầu, Covid-19 "thổi bay" 80 tỉ USD doanh thu du lịch, theo Tổ chức thu thập thông tin kinh tế (EIU), và khiến lĩnh vực này cần ít nhất một năm để hồi phục kể từ khi đại dịch được kiểm soát hoàn toàn. Có khoảng 50 triệu việc làm trong ngành bị mất. Hàng triệu du khách Trung Quốc hủy bỏ kỳ nghỉ nước ngoài và kỳ vọng họ đi chơi trở lại vào quý II năm sau. Điều này dựa trên cơ sở từ dịch Sars xảy ra ở Trung Quốc cuối năm 2002, khi đó Trung Quốc dỡ bỏ lệnh cấm du lịch vào tháng 7/2003 nhưng tới đầu 2004, du lịch mới thật sự hồi phục.
Nhưng các chuyên gia du lịch dự báo, sau đại dịch, ngành du lịch thế giới sẽ trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Và khi thế giới bắt đầu chuyển động trở lại, du lịch thế giới sẽ đi đúng hướng. "Tôi nghĩ rằng cuối cùng đại dịch cũng được kiểm soát, khi đó nhu cầu đi du lịch sẽ rất lớn. Không chỉ là những chuyến đi xa mà cả những chặng ngắn. Nhu cầu của con người là di chuyển và kết nối với mọi người", Samantha Brown, người dẫn chương trình trên PBS nói.
Cùng quan điểm, Tom Marchant, đồng sáng lập của công ty du lịch Black Tomoto, cho rằng sau nhiều tuần và có lẽ nhiều tháng ở trong nhà, con người luôn khao khát kết nối với nhau mạnh mẽ hơn và đó là cơ hội của du lịch hậu khủng hoảng. Sau Covid-19, nhiều quốc gia sẽ điều chỉnh hướng phát triển của du lịch, để du lịch trở nên bền vững hơn, không đại trà, như Venice (Italy).
"Chính phủ Italy cần hạn chế số lượng du khách vào thành phố mỗi ngày. Có thể hạn chế hoặc thậm chí cấm những con tàu du lịch cỡ lớn chở hàng nghìn người vào thành phố, khiến những con đường chật hẹp trở nên bí bách", Pavia Rosati, sáng lập trang du lịch Fathom ở Italy, nhận định.
Những hạn chế này sẽ giúp bảo vệ các điểm đến khỏi bị tàn phá. Covid-19 cũng đồng thời giúp du khách tỉnh táo hơn trong lựa chọn điểm đến, họ sẽ tìm tới những quốc gia "sạch", điểm đến "sạch". Du lịch thế giới từng trải qua nhiều cuộc khủng hoảng trong quá khứ và lần nào cũng chứng minh, sau khủng hoảng du lịch sẽ bùng nổ bởi khi đó, giá cả dịch vụ trở nên rẻ hơn so với trước.
Bên cạnh đó, việc các nước thúc đẩy người dân chi tiêu cũng hứa hẹn du lịch nhanh chóng phục hồi sau khủng hoảng. Giữa tháng 3, chính phủ Tây Ban Nha phê duyệt hàng loạt các giải pháp để hỗ trợ ngành du lịch nước này, bao gồm khoản tín dụng 400 triệu euro cho vận chuyển, lữ hành và khách sạn. Đồng thời, chính phủ cho doanh nghiệp linh hoạt trong nộp thuế. Rộng hơn, chính phủ hứa cung cấp gói 200 tỉ euro để cứu nền kinh tế đang "bất động" và nhân công thất nghiệp. Nhiều quốc gia cũng tung ra các gói hỗ trợ khác nhau.
Tuy nhiên, đó là viễn cảnh bất định. Trước mắt, các quốc gia vẫn còn ngập trong phương án chống dịch và phong tỏa. Còn doanh nghiệp đang trong mớ bòng bong khó khăn. Chủ một hệ thống nhà hàng ở Barcelona không muốn công khai danh tính nói đã phải vay 400.000 euro để trang trải chi phí trong khủng hoảng nhưng không biết đến khi nào tình hình sẽ trở lại như cũ. "Chúng tôi cần chính phủ hỗ trợ ngay, đặc biệt là giảm thuế", cô nói.
Vi Nguyễn (tổng hợp)