Chuỗi 5 nhà hàng Vua Cua tại TP HCM gần đây đã bán thêm bánh bao - một cú xoay chuyển tình thế bằng sản phẩm gần như không liên quan. Chị Đoàn Anh Thư, Nhà sáng lập kiêm CEO chuỗi nhà hàng cho biết đang huy động thêm thợ làm bánh bao vì đắt hàng.
Theo chị Thư, nhà hàng đã bán được 300 cái bánh bao trong ba ngày đầu tiên và số lượng đang tăng liên tục. Bánh bao nhân hải sản vốn là thế mạnh của chuỗi. "Tôi chọn làm loại bánh này vì nó phù hợp mùa dịch, ăn buổi nào cũng được, lại no và giá hợp lý", chị Thư nói.
Bánh bao là ý tưởng mà chị từng nghĩ tới nhưng vào những ngày thường, bếp trung tâm luôn bận rộn nên không có thời gian hoàn chỉnh công thức. Nay dịch bùng phát, công suất bếp không dùng hết, chị quyết định đẩy kế hoạch bán bánh bao sớm hơn một năm.
Cùng với món này, chị chuẩn bị đưa ra 2 loại nước lẩu và 10 loại nước chấm hải sản mới để bán mang về vào tuần sau. Hiện 2 chi nhánh của chuỗi đã đóng cửa theo lệnh của cơ quan chức năng nhằm phòng ngừa Covid-19, 3 chi nhánh hoạt động online, còn nhân viên văn phòng thì làm ở nhà, giảm 30% lương. "Nói chung tình hình bán online đang ổn. Lời thì khó nhưng thu đủ bù chi nên có thể cầm cự được đến tháng 6", chị cho hay.
Với iVIVU, thay vì gửi những email chào mời combo vé máy bay, tour du lịch hấp dẫn, mấy ngày gần đây, công ty này giới thiệu đến khách của mình dịch vụ cơm phần. Đây là nghề tay trái của công ty này nhằm duy trì hoạt động trong lúc một số đơn vị cùng ngành khác hầu như "đóng băng" vì Covid-19.
Dịch vụ có mức giá khá cạnh tranh, triển khai ở TP HCM, Hà Nội. Thực khách có thể yêu cầu khẩu vị đúng vùng miền và độ nêm nếm. Ông Nguyễn Trung Công, Giám đốc iVIVU.com cho biết số suất ăn dự kiến cho giai đoạn thử nghiệm đã đặt hết. Ông kỳ vọng sẽ cung cấp được 100.000 bữa ăn trưa mỗi ngày cho khách hàng ở các thành phố lớn trước và mở rộng cho toàn quốc sau.
Giải thích vì sao nhảy vào thị trường này, iVIVU nói rằng đây thực tế là một dự án lớn, có sẵn từ trước để góp phần đưa công ty thành một 'siêu ứng dụng'. Tuy nhiên, vì Covid-19 nên dịch vụ được đẩy ra sớm hơn.
Ông cho biết công ty dựa vào nguồn lực nội tại và Tập đoàn Thiên Minh - sở hữu chuỗi nhà hàng Spice Việt và nhà hàng thuộc chuỗi resort Victoria ra mắt dự án này để không phí phạm nguồn nhân lực. Đồng thời, dự án cũng tạo nguồn thu mới cho công ty trong giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh. Theo ông, tầm nhìn dài hạn của dự án sẽ góp 1.000 tỷ doanh thu mỗi năm.
"Các dịch vụ kinh doanh truyền thống của công ty như combo du lịch, tour, vé máy bay hầu như không có doanh thu kể từ thời điểm dịch bùng phát đến nay. Đây thực sự là giai đoạn 'đen tối' đối với ngành du lịch", ông Công nói với VnExpress.
Nếu không xoay xở bằng những nghề tay trái thì một số đơn vị khác cũng đang linh động biến tấu các sản phẩm hiện có thành những sản phẩm mới lạ hơn, phù hợp với mùa dịch. Ông Hoàng Tiễn, Nhà sáng lập chuỗi Coffee Bike nói rằng đây là xu hướng của ngành F&B để tồn tại.
Theo ông, kinh doanh mùa Covid-19 nói chung, và ngành F&B nói riêng chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Giao dịch thương mại không còn tốt như trước, ngành F&B giảm từ 60-70% số lượng sản phẩm bán ra. Thị trường có nhiều sự thay đổi, chuyển dịch. "Vì thế, các công ty có xu hướng ra thêm sản phẩm để nuôi dưỡng dòng tiền, sống sót giai đoạn này, để khi dịch kết thúc sẽ có nguồn lực xây dựng lại", ông Tiễn nhận định.
Bản thân Coffee Bike cũng đang ứng phó bằng cách này. Là nhà bán lẻ các sản phẩm thức uống giải khát tại quán nhưng trong tình cảnh hiện tại, công ty quyết định tập trung nguồn lực sang bán cà phê bột pha phin để có thêm nguồn doanh thu và duy trì lượng khách hàng trung thành.
"Khi các cửa hàng bán lẻ thức uống đóng cửa đến 80%, có thể nói nguồn thu chính hiện tại của Coffee Bike đến từ mảng phân phối nguyên liệu cà phê", ông Tiễn nói.
Tương tự, ngành hoa đang chịu ế trong mùa Covid-19, bởi mọi người quan tâm đến nhu yếu phẩm là chính. Qualá, một thương hiệu hoa tươi tại TP HCM, tìm ra một cách để khách hàng muốn mua hoa hơn, dù có vẻ hoa là chi tiêu xa xỉ mùa dịch.
Theo đó, thương hiệu vừa bán ra dòng sản phẩm hoa kết trên một ly cà phê, được đặt tên là "Hoa Coffee". Đào Đức Thành, Nhà sáng lập Qualá cho rằng sự kết hợp giữa hoa - món ăn tinh thần của nhiều người trẻ và cà phê - loại thức uống giúp tỉnh táo cho công việc có thể trở thành một lựa chọn quà tặng mùa này.
Ông Thành cho biết mong muốn khách hàng vẫn có thể thưởng thức trọn vẹn hương vị cà phê dù luôn phải lặp lại việc bắt đầu một ngày mới ngay tại căn phòng của mình trong thời gian cách ly xã hội. Đồng thời, dịch bệnh đã làm giảm mạnh nhu cầu mua hoa trao tặng mỗi ngày. Do vậy sản phẩm mong muốn những người cách ly tại nhà vẫn có thể quan tâm và chia sẻ cảm xúc cho nhau qua những ly cà phê hoa.
Ban đầu, Thành dự định triển khai Hoa Coffee vào tháng 9, cũng trong hình dạng ly hoa "take away" tặng nhau mỗi sáng thứ 2 đầu tuần. Tuy nhiên, do dịch xuất hiện và tính chất sản phẩm cũng khá phù hợp nên anh thay đổi chiến lược.
Theo anh, phân khúc của sản phẩm là bạn bè nghỉ học lâu ngày dùng làm quà hỏi thăm nhau, sếp gửi tặng động viên cấp dưới, hoặc đôi lứa gửi lời tình cảm đến nhau. Thành cho biết sản phẩm được phản hồi tích cực ngay ngày đầu tiên kinh doanh. "Sau dịch, Hoa Coffee sẽ vẫn trở thành một sản phẩm đặc trưng của Qualá", anh nói.
Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) và Báo điện tử VnExpress tiến hành lấy ý kiến về các giải pháp đối phó của doanh nghiệp. Kết quả khảo sát sẽ được chia sẻ trở lại cho doanh nghiệp tham khảo, vận dụng; đồng thời tham mưu cho Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, tổ chức và chuyên gia để xây dựng các chính sách hiệu quả hơn trong và sau dịch bệnh.
Bạn vui lòng tham gia khảo sát tại đây nếu đang có nhiều giải pháp, cách làm thiết thực.
Viễn Thông