1. Sông nước trong lòng đô thị
Trong những năm gần đây, khi nhắc đến các vấn đề thúc đẩy sự phát triển của đô thị tại TP HCM. Cụm từ "đô thị sông nước" được sử dụng rộng rãi như một nhận diện cho đặc trưng của thành phố với con sông Sài Gòn bao quanh tạo thành một "hành lang" đô thị ven sông trong nhiều ảnh chụp minh họa.
Trong sự phát triển hơn ba trăm năm qua của vùng đất này, sông Sài Gòn như một "động mạch chủ", là thủy lộ quan trọng đón nhận nhiều làn sóng văn minh mới hội nhập từ ngoài vào.
Tuy nhiên, nhắc đến dòng sông chính là sông Sài Gòn thôi chưa đủ, cũng cần nhớ đến sự phát triển của đô thị này gắn liền với hệ thống sông ngòi, kinh rạch chằng chịt với tổng chiều dài ước đoán hơn 3500 km.
Từ khởi thủy, các giồng đất ven sông, ven biển cùng một mạng lưới sông ngòi dọc ngang xen lẫn những cánh rừng sác, rừng đước mênh mông tại Cần Giờ đã là địa bàn cư trú của những cư dân bản địa thuở ban đầu. Ngày nay khu vực này với hệ thống chi lưu từ sông Lòng Tàu và sông Soài Rạp như sông Ngã Bảy, sông Dừa, sông Đồng Tranh, tắc Định Cậu, rạch Tắc Bài...
Đến đầu thế kỷ XIX, thành trì ở Sài Gòn được xây dựng án ngữ những vị trí hiểm yếu và gần sông, xung quanh là những vùng dân cư sinh sống với chợ búa, các làng nghề cùng xuồng ghe tấp nập. Đó là rạch Thị Nghè ở phía Bắc, rạch Bến Nghé ở phía Nam nối với kinh Tàu Hủ về rạch Ruột Ngựa nối vào sông Chợ Đệm để kết nối với miền Tây.
Khi thực dân Pháp đến xâm lược, tham vọng để biến Sài Gòn thành một thành phố 4 mặt sông, chính quyền đã cho đào kinh Vòng Thành, kinh Tẻ, kinh Đôi, kinh Thanh Đa...đồng thời việc di chuyển và buôn bán bằng đường sông nước thúc đẩy đến thạnh mậu (sung túc).
Mặc khác ở những vùng quy hoạch, một số con rạch đã bị lấp đi thay bằng những con đường sạch sẽ, thông thoáng để phục vụ giao thông đường bộ, đường sắt. Trong giai đoạn này, Chợ Lớn cũng là một đô thị được kết nối dọc ngang với hệ thống kinh Hàng Bàng, rạch Chợ Lớn, kinh Phố Xếp...nay chỉ còn lại là ký ức về một vùng sông nước.
Sau ngày đất nước thống nhất, hệ thống kinh đào được mở rộng về phía Tây ở Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi với kinh Thanh Niên, kinh A, kinh B, kinh C...nối với kinh An Hạ, kinh Tham Lương...dẫn nước ngọt hóa một vùng nông nghiệp ngoại thành, ngày nay đây là khu vực nông nghiệp và công nghiệp quan trọng của thành phố.
Nhìn tổng thể hệ thống sông tại thành phố thì sông Sài Gòn đóng vai trò là dòng chảy chính để đưa vùng đất Sài Gòn hội nhập với thế giới bên ngoài. Nhưng để đạt đến sự phát triển cần phải có sự kết nối của hàng trăm tuyến sông rạch và kinh đào qua các thời kỳ.
Chính vì thế hiện nay để khai thác tiềm năng sông nước tại TP HCM, thật thiếu sót nếu bỏ qua những con rạch nhỏ hay con kinh đào âm thầm hòa nhịp vào dòng chảy sông Sài Gòn.
2. Đầu tư vào tri thức sông nước thành phố
Thật không dễ để cải tạo một lúc toàn bộ hệ thống sông rạch tại TP HCM, nhưng việc thay đổi nhận thức của người dân thành phố về giá trị sông nước là việc hoàn toàn có thể thực hiện được. Bởi vì khi người dân hiểu về vai trò của dòng chảy đối với môi trường đô thị, ý thức trân trọng sẽ được hình thành và sau đó quyết định hành động để tiến tới gìn giữ sự trong lành của sông ngòi.
Đi một vòng thành phố, không khó để nhìn thấy màu nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối, rác trôi trên kinh rạch, rác tấp vào các bãi bùn ven sông. Lướt trên mạng xã hội dễ dàng nhìn thấy video đăng tải từng nhóm bạn trẻ phải "trầm mình" suốt ngày dài chỉ để dọn dẹp rác thải của một đoạn rạch chưa tới một cây số.
Vào mùa mưa, nước mưa hòa vào nước cống, các tuyến đường ven sông bị ngập nặng, dòng người ướt nhem chen chúc khi "phố bỗng là dòng sông uốn quanh". (Em còn nhớ hay em đã quên, Trịnh Công Sơn).
Những hình ảnh không mấy đẹp đẽ này một phần đã "ám ảnh" một bộ phận dân cư khi nhắc đến sông tại thành phố. Và chính những điều này là trở lực cho sự phát triển một đô thị với sông nước là ưu thế. Đã đến lúc cần thay đổi nhận thức bằng cách đầu tư nhiều hơn cho tri thức sông nước. Tức là đầu tư cho sự hiểu biết về vai trò của sông nước đối với lịch sử, đối với sự phát triển kinh tế, dấu ấn trong đời sống văn hóa tại thành phố.
TP HCM đã tổ chức thành công Lễ hội sông nước thành phố hai lần, đã nhiều lần tái hiện không gian "trên bến dưới thuyền" tại một đoạn kinh Tàu Hủ, nhưng những hoạt động này thiếu tính liên tục, đôi khi nặng về truyền thông và hình thức.
Trước sự phát triển của mạng xã hội, thiết thực cần xây dựng nhiều nội dung quảng bá hình ảnh sông nước thành phố, xây dựng nhận diện thương hiệu gắn với đô thị sông nước.
Nhiều lần đi bộ dọc tuyến kè kinh Tàu Hủ, tôi mong ước nơi đây có cụm tượng về những dân phu đã đào đoạn kinh này ở đầu thế kỷ XIX, kèm theo đó là bảng chú thích về lịch sử và giá trị kinh tế của dòng kinh đối với sự hưng thịnh của Sài Gòn - Chợ Lớn. Hoặc những sản phẩm du lịch như móc khóa, nam châm dán, thú bông... gắn với hình tượng sông nước tại khu vực xe buýt đường sông, bến tàu... sẽ ít nhiều tạo nên ấn tượng đối với khách thập phương.
Tri thức về sông nước cần được đưa vào giảng dạy thành những chủ đề trong chương trình giáo dục địa phương thành phố dành cho học sinh. Nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà báo cần viết nhiều hơn nữa những câu chuyện về sông nước, phóng sự đời sống gắn với sông nước, bến phà.
Các công trình nghiên cứu, sách về sông nước tại thành phố hiện nay còn rất ít và có phần rời rạc. Sự quan tâm đầu tư tri thức về sông nước cho cộng đồng, đặc biệt là thế hệ công dân trẻ của thành phố là yếu tố quan trọng để xây dựng một nhận thức mới về đô thị sông nước Sài Gòn - TP HCM.
Để phát huy giá trị đô thị sông nước, cần có sự chung tay của cơ quan chức năng thành phố và toàn thể công dân tại đô thị. TP HCM ngày nay phát triển trên nền một đô thị với sông nước là con đường chủ lực trong các thế kỷ trước, sông nước đã đem đến nguồn tài nguyên vô giá cho sự hưng khởi của thị thành.
Cần khai thác giá trị kinh tế - văn hóa - xã hội của toàn bộ hệ thống sông ngòi, kinh rạch tại thành phố thay vì chỉ tập trung vào dòng chảy chính là sông Sài Gòn. Nhưng để khai thác tốt hệ thống sông ngòi ấy, sự đầu tư cho tri thức về sông nước là hướng gợi mở quan trọng.
Đầu tư tri thức sẽ hình thành nhận thức, cảm tình đối với môi trường cảnh quan, từ đó hình thành ý thức gìn giữ, bảo vệ, phát triển hài hòa cùng lợi thế sông nước theo hướng bền vững trong mỗi công dân thành phố.
Nguyễn Tuấn Anh (Giáo viên Lịch Sử)