Thứ ba, 20/10/2020, 07:37 (GMT+7)

Sống như người Tày ở thung lũng Lâm Thượng

Yên BáiĐến Lâm Thượng bạn được ngủ nghỉ, nấu ăn với gia đình người Tày dưới nếp nhà sàn truyền thống, tắm suối Nậm Chắn hay trekking đỉnh Lung Trạng.

Lâm Thượng là một xã thuộc huyện Lục Yên, nằm cách Hà Nội hơn 250 km và cách TP Yên Bái khoảng 80 km. Lục Yên là điểm nằm giữa tuyến đường du lịch từ Sa Pa qua Hà Giang. Nơi đây có rừng cây, đồi núi, suối thác, đồng ruộng và những bản làng người Tày... rất thích hợp cho người yêu thiên nhiên hoang sơ và thích sống chậm rãi.

Ở Lâm Thượng chủ yếu là người Tày sinh sống nên bạn dễ bắt gặp những nếp nhà sàn gỗ lợp mái cọ dày dặn và rất nhiều cửa sổ. Không ít những ngôi nhà ở đây đã có tới 50 - 60 năm tuổi. Nếu tối đến nhà sàn là nơi cả nhà quây quần ăn uống sinh hoạt và ngủ nghỉ thì ban ngày chăn gối, đồ đạc đều được dọn dẹp gọn gàng, cất lên gác để mở hết cửa sổ và đón khách. Vì thế nếu bạn đang sống ở thành phố đông đúc với các tòa cao ốc, ngõ phố chật hẹp thì tới Lâm Thượng, chỉ cần đặt chân vào ngôi nhà của người Tày là cảm nhận được sự thoáng đãng cũng như hiếu khách của người dân bản địa.

Người Tày ở đây phần lớn làm nông, trồng lúa, hoa màu, chăn nuôi gia súc gia cầm. Ngoài đồng lúa rộng mênh mông bao quanh nhà, gia đình nào cũng có một ao cá. Nước từ các con suối trên núi đổ về khiến ao lúc nào cũng đầy nước để nuôi cá và vịt. Nhiều nhà nuôi thêm gà, lợn, thỏ, trồng thanh long...

Những cô gái Tày ở Lâm Thượng, Lục Yên, Yên Bái.

Lâm Thượng được núi rừng trùng điệp bao quanh nên sáng sớm sẽ thấy mây sà xuống các bản. Dân bản làm nghề nông nên thường thức dậy sớm, nấu bữa sáng, thả gia súc rồi tất bật chuẩn bị ra đồng, lên nương. Bởi thế, nhìn lên dãy núi thì thấy mặt trời dần ló rạng còn nhìn xuống dưới đã thấy khói bếp quẩn quanh những mái cọ.

Sáng sớm thức dậy trong tiếng gà gáy, hít thở không khí trong lành, chủ nhà chuẩn bị ra đồng, khách cũng sắp đồ đi leo núi, tắm thác. Nếu dậy thật sớm hãy dạo bộ hoặc đạp xe giữa những đồng lúa ở các bản Tông Pắng, Tông Pình Cại, Thâm Pất, bản Chỏi... để tận hưởng không khí trong lành và yên bình nơi đây.

Về Lâm Thượng mùa thu
 
 
Video: Du khách đạp xe ngắm cánh đồng lúa mùa hè, tắm ở mỏ nước với trẻ bản.

Tuy không nổi tiếng như các điểm du lịch khác ở Yên Bái, thung lũng Lâm Thượng vẫn có những nét riêng đủ để níu chân những ai muốn "trốn phố về rừng". Từ bản Tông Pắng ngay trung tâm Lâm Thượng bạn chỉ cần đạp xe, chạy xe máy hoặc trekking vài km là tới những điểm suối thác, hang động hay đồi núi.

Tới đây dù vào những tháng hè nóng nực hay mùa lạnh khô ráo thì bạn cũng nên dành một ngày trekking dọc bờ suối Khuổi Luông lên thác Nặm Chắn, đầm mình trong làn nước trong xanh, mát lạnh hay ngồi thư giãn thả chân massage cá tự nhiên, và mang đồ ăn hoặc đặt cơm trưa thưởng thức giữa rừng. Ngoài ra, ở Lâm Thượng còn có mỏ nước bản Khéo, thác Nà Kèn... trưa chiều tụ tập rất nhiều trẻ bản tập bơi và tắm. Với người mê trekking thì không nên bỏ qua hang Khai Trung, Thẳm Dường, hay trekking các đỉnh Lung Trạng, núi Khau Chảu... để ngắm toàn cảnh thung lũng từ trên cao.

Nhắc tới ẩm thực của người Tày ở Lâm Thượng, bạn tới đây dù ít hay dài ngày cũng sẽ được thết đãi những đặc sản như xôi tím, cá bỗng, vịt bầu, gà bản nướng, măng mai, rêu suối... Tất cả từ thịt cá tới rau củ hầu như do các gia đình tự nuôi trồng, chế biến nên đảm bảo ngon, sạch. Du khách có thể cùng xắn tay áo vào ao bắt cá, vịt hay phụ dân bản nhóm lửa chế biến món ăn, những câu chuyện bên bếp lửa và mâm cơm luôn là một kỷ niệm vui sau chuyến đi.

Một bữa cơm ở đây chỉ tốn của bạn chừng 80.000 - 150.000 đồng nhưng vừa đã con mắt lẫn cái bụng. Nếu không đặt cơm ở nhà dân thì trên những chặng đường trekking, dã ngoại tắm suối cũng có lán nghỉ để bạn làm bữa cơm dã chiến khi mua sẵn thịt, cá ở bản đem theo.

Tuy đường sá còn khó khăn, vị trí ở thung lũng xa xôi và người dân chủ yếu làm nông, chưa quen với khách du lịch nhưng tới Lâm Thượng bạn sẽ chẳng bao giờ nghĩ mình là khách. Từ trẻ tới già, dân các bản làng nơi đây gặp khách lạ đều tươi cười chào hỏi, mời uống nước ăn hoa quả...

Ở bản Tông Pắng, ngay trung tâm thung lũng cũng chỉ mới có một nhà duy nhất làm homestay gần 3 năm nay - Xôi Farmstay. Nhà sàn của gia đình nằm cạnh trường tiểu học luôn ríu rít tiếng trẻ em, trước mặt là đồng lúa mênh mông, sau lưng là ao cá và dòng suối trong chảy róc rách. Sân vườn thoáng đãng đến đêm xuống chỉ cần tắt đèn là bạn có thể ngắm một bầu trời đầy sao lấp lánh.

Chủ nhà cũng là cô gái dân tộc Tày học đại học ngành du lịch, Hoàng Thị Xới, sau nhiều năm làm hướng dẫn viên đã về quê làm homestay từ chính ngôi nhà mình lớn lên. Xới mong nơi mình sinh ra thành điểm hẹn của những du khách nơi xa muốn tìm chốn thiên nhiên yên bình, trải nghiệm cuộc sống làng bản, đồng thời gìn giữ và lan tỏa văn hóa của dân tộc Tày.

Ở đây bạn sẽ được trải nghiệm homestay đích thực, là ăn ở, ngủ, nghỉ cùng với cả gia đình dân tộc Tày. Nơi đây hiện có một nhà sàn chính là nơi gia đình sinh hoạt nay thành phòng đón khách ở theo dạng tập thể (150.000 đồng/ đêm), và một nhà sàn nhỏ phù hợp cho cặp đôi hoặc gia đình 2 - 4 người (700.000 đồng/ đêm), đã bao gồm ăn sáng và thuê xe đạp, xe máy.

Để tới nhà Xới, từ Hà Nội bạn có thể bắt xe khách ở các bến Mỹ Đình, Gia Lâm lên Lục Yên (Yên Bái) với giá vé 180.000 - 200.000 đồng, sau đó gọi xe taxi hoặc đặt xe ôm trước về thẳng bản Tông Pắng. Thời gian di chuyển khoảng 4 - 5 tiếng tùy lịch dừng nghỉ của xe. Một hành trình khám phá Lâm Thượng nên kéo dài từ 3 ngày 2 đêm vì thời gian đi và về Hà Nội - Lâm Thượng đã tốn tới 12 tiếng.

Lịch trình gợi ý:

Ngày 1: Hà Nội - Lâm Thượng - Trekking tới thác Nậm Chắn

Ngày 2: Leo núi, ăn trưa dã ngoại trên đỉnh Lung Trạng (hoặc khám phá Khai Trung, thác Nà Kèn)

Ngày 3: Mỏ nước bản Khéo - Đạp xe quanh các bản làng - Về Hà Nội

Hương Chi

Ảnh & video: Hương Chi, Xoi Farmstay

Cuối tuần phượt Mù Cang Chải với 3 triệu đồng