Đọc hai bài viết Đổ lỗi vì nồng độ cồn nên quán nhậu ế khách và 'Tôi chưa thấy nghề nào khởi nghiệp dễ như mở quán nhậu' tôi thấy khá nhiều người đang có cái nhìn tiêu cực về những quán nhậu.
Nhà tôi cũng ở gần một quán nhậu lẩu nướng. Lúc quán mới khai trương, họ bật nhạc ầm ĩ, tôi nghĩ thầm thật là xúi quẩy, chỉ mong quán họ bán ế, dẹp tiệm để mau trả lại không khí bình lặng như trước đây.
Tôi cũng làm quen với quản lý và họ cũng biết điều, trừ hôm khai trương, còn lại đến nay họ không bật nhạc ầm ĩ nữa. Mọi tiếng ồn đến từ việc nói chuyện râm ran của thực khách, nhưng vẫn trong ngưỡng chấp nhận được.
Khi nghĩ về quán nhậu, ai cũng ít nhiều nghĩ về các vấn đề tiêu cực. Tuy nhiên, tôi cho rằng các quán nhậu cũng là một mắt xích trong chuỗi hoạt động kinh tế: từ việc tiêu thụ thực phẩm, rau củ, thịt cá, chất đốt như gas, cho đến việc tạo ra công ăn việc làm cho các nhân viên quán nhậu và những người bán hàng rong cũng dựa vào đây để mưu sinh.
Một quán nhậu gần nhà tôi thôi đã có hơn chục nhân viên phục vụ, được bao ăn ở, lương 5-7 triệu đồng một tháng. Có cả nhân viên part-time là sinh viên, làm phục vụ kiếm tiền theo giờ. Với những lao động không có bằng cấp, đây thực sự là một công việc ổn định với họ, chưa kể mỗi quán cũng giải quyết việc làm cho 2-3 đầu bếp, bảo vệ...
Bên cạnh đó, các quán nhậu cũng là nơi mà người bán vé số dạo, trái cây dạo mưu sinh. Các thực khách thường không ngần ngại mua ủng hộ bịch trái cây cắt sẵn, vài tờ vé số. Đây thực sự là một hệ sinh thái kinh doanh nhỏ lẻ nhưng đầy sức sống.
Những mặt tiêu cực như tiếng ồn hay các vấn đề an ninh trật tự là lỗi của nhiều người văn hóa kém chứ không tại cái quán nhậu. Trong bối cảnh các thành phố thiếu thư viện, trung tâm giải trí, công viên, nhà sách công cộng... thì người dân, nhất là tầng lớp bình dân, biết giải trí ở đâu?
Hơn nữa, theo văn hóa, quán ăn, quán nhậu tạo ra không gian cho các cuộc gặp mặt, trò chuyện mà không thể nói ở công ty, văn phòng.
Về việc ăn nhậu và thổi nồng độ cồn, chúng ta cần phải có cái nhìn rạch ròi. Ăn nhậu say xỉn mà còn tham gia giao thông là phạm luật và cần phải có hình phạt nghiêm khắc. Nhưng không vì thế mà té nước theo mưa, hả hê khi quán nhậu vắng khách.
Ở London (Anh), Paris (Pháp) vẫn có nhiều quán rượu, quán bar, chẳng qua văn minh họ đi trước chúng ta nên hình thức tuy khác biệt nhưng bản chất vẫn như thế. Một người đang cần chút men rượu để quên đi nỗi buồn, bạn làm sao khuyên họ "hãy tới thư viện mà đọc sách" được?
Để đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ lợi ích cộng đồng, cần có những chính sách và quy định phù hợp. Các chủ quán nhậu cũng cần chú trọng đến việc giảm thiểu tác động tiêu cực như tiếng ồn và vấn đề an ninh trật tự, đồng thời tìm cách đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Thời thế ngày một thay đổi, các quán nhậu cũng phải thay đổi hình thức cho phù hợp.
Nguyễn Nguyên
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.