Các vùng đầm lầy ở Pakistan đã bị bao phủ bởi nhiệt độ cao kể từ tháng 4 trong những đợt sóng nhiệt gay gắt mà Tổ chức Khí tượng Thế cảnh báo là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Hôm 13/5, thành phố Jacobabad ở tỉnh Sindh đã đạt đỉnh 50°C và nhiệt độ được dự báo sẽ duy trì ở mức cao cho đến Chủ Nhật, theo Cục Khí tượng Pakistan (PMD).
Trên toàn quốc, nhiệt độ trung bình cũng được cảnh báo là cao hơn từ 6°C đến 9°C so với bình thường, với thủ đô Islamabad cũng như các thành phố lớn như Karachi, Lahore và Peshawar ghi nhận nhiệt độ vào khoảng 40°C vào thứ Sáu.
"Năm nay chúng tôi đã chuyển từ mùa đông sang mùa hè", người đứng đầu cơ quan dự báo của PMD Zaheer Ahmad Babar cho biết. "Những đợt nắng nóng ngày càng gia tăng cả về cường độ, thời lượng và tần suất".
Pakistan đã phải chịu đựng những đợt nắng nóng gay gắt kể từ năm 2015, đặc biệt là ở tỉnh Sindh ở phía bắc và tỉnh Punjab phía nam, gây ra tình trạng thiếu nước trầm trọng và đe dọa sức khỏe của người dân.
Y tá Bashir Ahmed của Jacobabad nói rằng các ca say nắng ở thành phố đã được ghi nhận sớm hơn, bắt đầu từ tháng 5 thay vì tháng 6 hoặc tháng 7 như mọi khi và con số này đang tăng lên.
Các nhà khoa học khí hậu hàng đầu cho biết tình hình có thể còn tồi tệ hơn trong thời gian tới khi biến đổi khí hậu tiếp tục diễn ra. Ở tỉnh Punjab, sông Indus đã bị thu hẹp 65% "do thiếu mưa và tuyết" trong năm nay. Đây là tuyến đường thủy quan trọng của Pakistan. Nhiều gia súc cũng đã chết vì say nắng và mất nước ở sa mạc Cholistan.
"Có một nguy cơ thực sự về việc thiếu hụt nguồn cung lương thực trong năm nay ở Pakistan nếu tình trạng thiếu nước tiếp tục kéo dài", Adnan Hassan, quan chức thủy lợi tỉnh Punjab, lo ngại.
Nắng nóng cũng khiến Pakistan phải đối mặt với tình trạng thiếu điện nghiêm trọng, với một số vùng nông thôn chỉ có điện 6 giờ mỗi ngày.
Theo một nghiên cứu năm 2021 của nhóm môi trường Germanwatch, Pakistan được xếp hạng là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều thứ 8 bởi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Nắng nóng gay gắt cũng có thể gây ra các thảm họa chồng chất ảnh hưởng đến dân nghèo.
Các khu vực miền núi của Pakistan có hơn 7.000 sông băng, một con số lớn hơn bất kỳ khu vực nào bên ngoài hai vùng cực của hành tinh. Các sông băng tan chảy nhanh chóng có thể khiến hồ chứa quá tải, gây vỡ bờ và tạo ra các dòng nước đá chảy xiết được gọi là lũ hồ băng.
Cuối tuần trước, một cây cầu quan trọng trên đường cao tốc ở vùng Gilgit-Baltistan đã bị cuốn trôi trong trận lũ quét do sông băng tan chảy. Vào tháng 4, các quan chức cũng cảnh báo 33 hồ ở Pakistan có nguy cơ bùng phát những trận lũ tương tự.
Đoàn Dương (Theo AFP)