Một bệnh viện động vật ở thành phố Ahmedabad phía tây Ấn Độ đã điều trị cho khoảng 2.000 con chim trong tháng vừa qua, nhiều con trong số đó bị suy yếu và mất nước nặng, một số con gãy cánh sau khi ngã từ trên cây xuống.
"Hàng ngày chúng tôi tiếp nhận ít nhất 50 - 60 con chim bị mất nước", Gira Shah, nhà đồng sáng lập quỹ từ thiện Jivdaya, đơn vị quản lý bệnh viện chia sẻ với AFP. Theo Shah, nhiệt độ tại địa phương đã tăng vọt tới 46 độ C. Đợt nắng nóng trùng với thời gian kết thúc mùa sinh sản của một số loài chim, dẫn tới số lượng lớn chim non và chim đang mọc lông cần điều trị tại cơ sở.
Các nhân viên cứu hộ tình nguyện và nhiều người dân thường xuyên đưa những hộp giấy và giỏ đựng chim tới bệnh viện. Tại đó, bác sĩ thú y sẽ đăng ký, đo cân nặng, đeo thẻ và kiểm tra tình trạng của chúng. Những con chim được chữa trị tùy theo tình trạng, nhưng cứ 1 trong 4 con không qua khỏi do mất nước nghiêm trọng hoặc biến chứng đi kèm. Chim đang hồi phục được nuôi trong chuồng cho tới khi sẵn sàng thả về tự nhiên. Đối với những cá thể bị tàn tật do vết thương, bệnh viện sẽ gửi chúng tới vườn thú hoặc viện giáo dục.
Bác sĩ thú y Nidhi Sharma đã điều trị cho chim vẹt đuôi dài, chim hét cao cẳng và diều hâu đang mọc lông được giải cứu trên đường. Các nhân viên cứu hộ cho rằng chim diều bị suy yếu do nắng nóng, rơi từ chiếc tổ trên cây cao gần 15 m xuống đất.
Quản lý Sherwin Everett, người đã làm việc ở bệnh viện Jivdaya từ năm 2010, cho biết nắng nóng năm nay nằm trong số những đợt nắng nóng tồi tệ nhất đối với quần thể chim địa phương mà ông từng chứng kiến.
Những ngày cuối tháng 4 ghi nhận nhiệt độ như thiêu đốt ở Ấn Độ và Pakistan. Nhiệt độ cán mốc 49 độ C ở Jacobabad, Pakistan hôm 30/4 và 47,2 độ C ở Banda, Ấn Độ. Cơ quan Khí tượng Ấn Độ xác nhận nhiệt độ trung bình trong tháng 4 đạt mức cao nhất tại nhiều khu vực ở miền bắc và miền trung trong vòng hơn 100 năm qua.
Nắng nóng khá phổ biến vào thời gian này trong năm ở Ấn Độ và Pakistan. Nhưng các nhà khoa học cho rằng cường độ, độ dài và thời gian xuất hiện đợt nắng nóng trong năm nay do nhiệt độ toàn cầu tăng lên gây ra. Roxy Mathew Koll, nhà khoa học khí hậu ở Viện khí tượng nhiệt đới Ấn Độ, nhận định sự ấm lên toàn cầu chính là nguyên nhân gốc rễ khiến nắng nóng gia tăng. Các chuyên gia dự đoán vào cuối tuần này và tuần tới, nhiệt độ tối đa sẽ vượt 50 độ C ở nhiều nơi phía tây bắc Ấn Độ và Pakistan.
An Khang (Theo Business Insider/Guardian)