Khi tùy bút của Nguyễn Tuân vừa kết thúc cuộc chiến giữa ông lái đò và thác dữ, dòng sông Đà bỗng nhiên đổi vẻ. Lời văn của Nguyễn Tuân cũng trở nên bồng bềnh với bầu trời mùa xuân, mùa thu, nơi tác giả từ trên tàu bay nhìn xuống "từng nét sông tãi ra trên đại dương đá lờ lờ bóng mây dưới chân mình".
Từ đó, ông đã vẫy bút vẽ ra cả một bức tranh thủy mặc chỉ trong một câu văn, gây vấn vương với nhiều người đọc: "Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói Mèo đốt nương xuân".
Nhà giáo Đỗ Kim Hồi cảm nhận: "Nếu được phép bày tỏ ý thích riêng, thì quả thực, cảm tình của tôi có phần được đặt nhiều hơn vào đoạn tả con sông Đà trữ tình này. Làm sao có thể không yêu lối viết của Nguyễn Tuân trong cái khúc nói về lần nhà văn nhìn sông Đà như một cố nhân".
Lúc đầu, tác giả chỉ đề cập cảm giác còn mơ hồ "thèm chỗ thoáng", do "ở rừng đi núi cũng đã hơi lâu", rồi con sông hiện ra nhưng chỉ một chút thôi, loang loáng như nghịch ngợm. Đây đúng là cảm giác về cái nhìn con sông thấp thoáng, xa xa của con người còn phải bộ hành trong rừng cây, trên đèo dốc.
Nhưng kỳ diệu hơn là đoạn văn bắt đầu bằng câu viết: Thuyền tôi trôi trên sông Đà. Câu văn viết toàn thanh bằng, đẹp như một lời thơ. Nhẩm lại thì thấy lúc viết Sông Đà, Nguyễn Tuân đã ở tuổi ngũ tuần, hồn văn ấy đã già từ Vang bóng một thời, Một chuyến đi. Nghĩ thế lại càng thấy quý cái bỡ ngỡ, non tơ đến tuổi năm mươi lại nảy lộc trong nhà văn bên một dòng sông, một cuộc đời mới mẻ.
Câu 5: Nhà văn Nguyễn Tuân quê ở đâu?