Nguyễn Tuân (1910-1987) là nhà văn lớn của nền văn học hiện đại Việt Nam với sở trường về tùy bút và ký. Ông sinh trưởng trong một gia đình nhà Nho, quê ở làng Mọc, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Sinh thời, ngoài tên thật là Nguyễn Tuân, ông còn có nhiều bút danh như: Nhất Lang, Thanh Thủy, Thanh Hà, Ngột Lôi Nhật, Ngột Lôi Quật, Ân Ngũ Tuyên, Tuấn Thừa Sắc.

Bìa một ấn phẩm "Vang bóng một thời" của nhà văn Nguyễn Tuân.
Ông học đến bậc thành chung thì bị đuổi vì tham gia một cuộc bãi khóa phản đối giáo viên Pháp nói xấu người Việt năm 1929. Năm 1945, Nguyễn Tuân tham gia cách mạng và kháng chiến, trở thành cây bút tiêu biểu của nền văn học mới. Từ năm 1948 đến 1957, nhà văn giữ chức Tổng thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam.
Ông đã thử bút qua nhiều thể loại thơ, bút ký, truyện ngắn trào phúng, song đến năm 1938 mới nhận ra sở trường của mình với một số tác phẩm được đánh giá xuất sắc như Một chuyến đi, Vang bóng một thời, Thiếu quê hương, Chiếc lư đồng mắt cua.
Tác phẩm của Nguyễn Tuân trước năm 1945 chủ yếu xoay quanh ba đề tài: Chủ nghĩa xê dịch, vẻ đẹp vang bóng một thời và đời sống truỵ lạc. Sau đó, sức sáng tác của Nguyễn Tuân ngày càng dồi dào. Ông đi nhiều nơi, sáng tác nhiều tác phẩm xuất sắc như: Tùy bút kháng chiến và hòa bình (1956), Tùy bút Sông Đà (1960), Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi (1972).
Nhà văn Nguyễn Tuân được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996.
Theo đánh giá của các nhà phê bình văn học, Nguyễn Tuân là con người rất mực tài hoa, chỉ viết văn nhưng ông am hiểu nhiều môn nghệ thuật gồm hội họa, điêu khắc, sân khấu, điện ảnh. Tác phẩm của Nguyễn Tuân luôn thể hiện phong cách độc đáo, sự hiểu biết phong phú nhiều mặt, vốn ngôn ngữ giàu có, điêu luyện.
Mỗi trang viết của Nguyễn Tuân đều muốn chứng tỏ tài hoa uyên bác. Mọi sự vật được miêu tả dù chỉ là cái ăn cái uống, cũng được quan sát chủ yếu ở phương diện văn hóa, mỹ thuật.
Nguyễn Tuân cũng là người cổ súy tích cực cho "chủ nghĩa xê dịch", với phương châm sống là luôn luôn thay đổi thực đơn cho giác quan. Chủ nghĩa xê dịch được hiểu như là sự chuyển đổi vị trí về địa lý, chuyển đổi cảm giác về hình ảnh. Ông không thích cuộc sống trầm lặng, bình ổn nên đi suốt chiều dài đất nước để tìm những điều mới mẻ, độc đáo. Các giai thoại về ông nhờ đó rất phong phú.
Có người kể rằng, để mô tả ống khói tàu hỏa, ông đã ăn nằm tại ga Thanh Hóa mất gần một tháng để quan sát cho bằng được thời điểm của ống khói hoạt động lúc bắt đầu nổ máy, lúc khởi hành từ từ bò ra khỏi ga, lúc tàu đạt đến tốc độ tối đa cho phép, khi tàu giảm tốc độ để vào ga.
Theo chủ nghĩa xê dịch, vì thế văn chương của Nguyễn Tuân chứa cảm giác mãnh liệt của những phong cảnh tuyệt đẹp, của gió, bão, núi cao rừng thiêng, thác ghềnh dữ dội.