Nhà giáo Đỗ Kim Hồi trong sách Giảng văn Văn học Việt Nam (Nhà xuất bản Giáo dục, 1998) đặc biệt chú ý đến đoạn Nguyễn Tuân nói với người đọc về một con sông Đà hung bạo. Nhận xét "con sông hung bạo" không có nhiều khả năng gây ngạc nhiên nếu chúng ta không tận mắt thấy nhà văn đã hao tổn công phu đến thế nào để bắt được sự hung bạo kia phải nổi hẳn thành hình khối và gào thét lên trong muộn vạn âm thanh.
Trong một ít vần phú của Nguyễn Trãi và Trương Hán Siêu về dòng sông Bạch Đằng, không thiếu sự gập ghềnh, lởm chởm, nhưng đó là sự gập ghềnh, lởm chởm trong thế tĩnh. Còn ở Người lái đò sông Đà, tất cả đều chuyển động, đều náo động. Người đọc như được tác giả đặt cưỡi lên con thuyền đang vun vút, phăng phăng xuống thác để cảm thấy quanh mình nước thác hò reo bốn mặt và những hòn đá ngỗ ngược phía trước như nhất tề "nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền".
"... Mặt hòn đá nào trông cũng ngỗ ngược, hòn nào cũng nhăn nhúm méo mó hơn cả cái mặt nước chỗ này. Mặt sông rung rít lên như tuyếc-bin thuỷ điện nơi đáy hầm đập. Mặt sông trắng xoá càng làm bật rõ lên những hòn những tảng mới trông tưởng như nó đứng nó ngồi nó nằm tuỳ theo sở thích tự động của đá to đá bé. Nhưng hình như Sông Đà đã giao việc cho mỗi hòn. Mới thấy rằng đây là nó bày thạch trận trên sông.
... Thạch trận dàn bày vừa xong thì cái thuyền vụt tới. Phối hớp với đá, nước thác reo hò làm thanh viện cho đá, những hòn bệ vệ oai phong lẫm liệt. Một hòn ấy trông nghiêng thì y như là đang hất hàm hỏi cái thuyền phải xưng tên tuổi trước khi giao chiến. Một hòn khác lùi lại một chút và thách thức cái thuyền có giỏi thì tiến gần vào".
Trong đoạn văn này, nhà văn đã sử dụng rất nhiều nhân hóa để nhờ đó đọc ra từng sắc diện người trong những hình thù đá vô tri. Ông đã cố dùng thật hết sức mạnh điêu khắc của ngôn từ để truyền hồn sống vào từng thớ đá. Dễ mấy ai nhìn ra những khuôn mặt đá kiểu như vậy. Cái dáng đá "hất hàm" ấy trông vừa "xấc xược, hỗn hào, du côn một cách rất hiện đại".
Câu 3: Người lái đò trong tùy bút tên là gì?