Sông Đà bắt đầu chảy vào Việt Nam từ biên giới với Trung Quốc tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Sông chảy qua các tỉnh Tây Bắc là Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ. Ở điểm cuối thuộc Phú Thọ, sông Đà nhập với sông Hồng và sông Lô, sau đó đổ ra biển.
Tùy bút Sông Đà là kết quả chuyến đi thực tế năm 1958 của nhà văn Nguyễn Tuân, gồm 15 tùy bút và một bài thơ phác thảo. Tuyển tập được xuất bản 1960, nội dung chủ yếu là ca ngợi cảnh vật và con người Tây Bắc.
Tác phẩm nổi tiếng nhất trong tập tùy bút là Người lái đò sông Đà, thể hiện rõ dòng sông Tây Bắc ở hai phương diện đối lập nhau. Đó là một dòng sông dữ dội, hiểm trở, từng gây nhiều tai họa cho con người, nhưng đồng thời cũng mang vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình.
Theo sách giáo khoa Ngữ văn lớp 12 tập một (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam), mở đầu tác phẩm, tác giả trình bày mục đích chuyến đi thực tế Tây Bắc và sông Đà là tìm hiểu những con người ở đây mà ông gọi "thứ vàng mười đã qua thử lửa" của cách mạng, đang góp phần vào kiến thiết Tây Bắc.
Tiếp đó, tác giả giới thiệu khả năng tuyệt vời của những người lái đò sông Đà khi vượt thác leo ghềnh và liệt kê một loạt con thác sông Đà từ Vạn Yên về xuôi, trong đó có những con thác vô cùng độc dữ, nham hiểm. Đáng sợ nhất là những cái hút nước "xoáy tít đáy" giữa lòng sông từng dìm xuống và xé tan tác những bè gỗ, những con thuyền vô ý bị nó lôi tuột xuống.
"...Hùng vĩ của Sông Đà không phải chỉ có thác đá. Mà nó còn là những cảnh đá bờ sông, dựng vách thành, mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời. Có vách đá thành chẹt lòng Sông Đà như một cái yết hầu. Đứng bên này bờ nhẹ tay ném hòn đá qua bên kia vách. Có quãng con nai con hổ đã có lần vọt từ bờ này sang bờ kia. Ngồi trong khoang đò qua quãng ấy, đang mùa hè mà cũng thấy lạnh, cảm thấy mình như đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện...".
Trong tác phẩm này, Nguyễn Tuân có những miêu tả tinh tế về dòng sông Đà, khiến nó có sức sống như một nhân vật: "Mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời", "Con hổ con nai có thể vọt qua sông, và chỉ can nhẹ tay thôi cũng có thể ném hòn đá từ bờ bên này qua bên kia vách". Đó là những so sánh vừa chính xác, vừa tinh tế, lại bất ngờ và lạ lùng.
Câu 2: Nguyễn Tuân miêu tả cảnh vật nào "trông cũng ngỗ ngược, nhăn nhúm méo mó hơn cả cái mặt nước chỗ này" trong bài tuỳ bút?