3h sáng 19/4, một chớp sáng lóe lên trên những con đường tối tăm của thành phố Kramatorsk, sau đó là một tiếng nổ lớn, tường nhà rung lên, các ô cửa kính vỡ tan vì sóng xung kích, khiến không ít người dân giật mình tỉnh giấc.
Vài ngày qua, số vụ oanh kích nhằm vào thành phố ở miền đông Ukraine này tương đối ít, dù cư dân thỉnh thoảng vẫn nghe thấy những tiếng nổ vang vọng từ đằng xa.
Nhưng vụ nổ sáng đầu tuần là lời nhắc nhở rằng Kramatorsk, thủ phủ vùng Donbass do Ukraine kiểm soát, đang nằm trong tầm ngắm của các lực lượng Nga.
Khi lệnh giới nghiêm ban đêm hết hiệu lực vài giờ sau đó, người dân tỉnh dậy với thông tin rằng tên lửa Iskander Nga đã lao xuống gần một khách sạn và trường dạy nghề của thành phố.
Không rõ đây có phải mục tiêu thực sự của vụ tập kích hay không, nhưng nó khiến nỗi sợ hãi bao trùm cả thành phố. Vài giờ sau, Tổng thống Volodymyr Zelensky phát cảnh báo quân đội Nga đã bắt đầu chiến dịch tấn công ở miền đông Ukraine.
Bên miệng hố rộng khoảng 9 m, sâu gần 3 m do tên lửa tạo ra, hai cảnh sát và hai binh sĩ đang thay phiên nhau đào những mảnh tên lửa từ lớp đất đen và ghi lại số sê-ri trên từng linh kiện mà họ thu thập được.
Trước khi chiến sự nổ ra, Kramatorsk đã đóng vai trò là mắt xích quan trọng trong phòng tuyến của quân đội Ukraine trước phe ly khai thân Nga ở miền đông nước này từ năm 2014 đến nay.
Suốt gần 8 năm qua, Kramatorsk là trạm tiếp tế chính cho quân đội Ukraine, nơi đặt bộ máy chính quyền vùng Donetsk của chính phủ.
Các lực lượng Nga đang áp sát từ phía bắc, đông, nam của Kramatorsk cùng với thành phố Sloviansk gần đó. Nếu kiểm soát được cả hai thành phố này, Nga sẽ giành lợi thế quan trọng, giúp họ bao vây phần lớn quân đội Ukraine đang đóng tại khu vực.
Viễn cảnh đó buộc Thị trưởng Oleksandr Goncharenko phải hành động. Trong những tuần đầu Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, ông đã lên kế hoạch để thành phố chuẩn bị sẵn sàng cho xung đột, dự trữ đủ nhu yếu phẩm cho một cuộc bao vây có thể kéo dài 2-3 tháng.
Tại tòa nhà hội đồng thành phố, để vào bên trong, người ta phải đi vòng phía sau, qua một hàng rào bảo vệ và một bức tường chắn bằng bao cát. Sàn nhà chất đầy hộp chứa thực phẩm, thuốc men.
Nhưng điều khó khăn hơn là thuyết phục người dân sơ tán khỏi thành phố, thị trưởng Goncharenko nói.
Một vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo vào nhà ga Kramatorsk trong tháng này đã khiến nhiều người thay đổi suy nghĩ, chấp nhận di tản. Nhưng dựa trên khối lượng rác đang được thu gom hàng ngày, ông Goncharenko ước tính vẫn còn khoảng 35.000-40.000 người bám trụ lại thành phố.
Những chuyến xe buýt do chính quyền thành phố tổ chức nhằm sơ tán người dân đã giảm xuống chỉ còn một chuyến mỗi ngày.
Serhiy Haidai, thống đốc vùng Lugansk, hôm 19/4 cho hay lực lượng Nga đã chiếm được thành phố Kreminna và đang dồn quân về hai khu vực lân cận là Sloviansk cùng Kramatorsk, cách đó khoảng 60 km.
Theo thị trưởng Goncharenko, phần lớn người dân quyết định ở lại dù biết thành phố sẽ thành điểm nóng giao tranh trong những ngày tới, bởi họ có rất ít lựa chọn. "Nhiều người chỉ có một ngôi nhà hay một căn hộ duy nhất. Họ nói rằng 'chúng tôi sẽ làm gì ở những thành phố khác?'. Ngôi nhà đối với họ còn quý hơn cả mạng sống", ông nói.
Tâm lý đó dường như thể hiện rất rõ vào sáng 18/4. Dù không có thương vong, sức ép từ vụ nổ đã làm vỡ kính các ô cửa sổ trong một khu dân cư gồm 8 tòa nhà trên con phố mang tên "Những người hùng Ukraine" ở Kramatorsk, cách nơi tên lửa rơi khoảng vài trăm mét.
Sau vụ nổ, người dân và nhân viên chính quyền thành phố vẫn cặm cụi thu dọn các mảnh vỡ, kiểm tra lại nhà cửa và che chắn các ô cửa sổ bằng nilông.
Helena, nhân viên xã hội 55 tuổi, đang ngủ thì nghe thấy tiếng nổ ở rất gần, khiến ban công nhà bà bị phá hủy. Bà cho rằng vụ tấn công bắt nguồn từ chuyến thăm của cựu tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đến Kramatorsk hai ngày trước.
Ông đến Kramatorsk để phân phát hàng viện trợ, nhưng Helena sợ rằng sự xuất hiện của cựu tổng thống Ukraine có thể khiến thành phố "trái tim Donbass" bị phía Nga chú ý và đưa nó vào tầm ngắm tên lửa. Phía Nga thường xuyên tuyên bố không tấn công dân thường ở Ukraine, mà chỉ nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng quân sự.
"Tất cả người dân Kramatorsk đều yêu cầu ông Poroshenko không công khai hiện diện ở đây", bà nói. "Nếu muốn chuyển hàng viện trợ cho chúng tôi, ông ấy chỉ cần làm thế và rời đi".
Vũ Hoàng (Theo Tribune News Service)