Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 18/4 thông báo Nga đã bắt đầu chiến dịch quân sự tại vùng Donbass, miền đông nước này. Thư ký Hội đồng An ninh Ukraine Oleksiy Danilov cũng cho hay Nga đang cố gắng chọc thủng hệ thống phòng thủ "dọc theo gần như toàn bộ chiến tuyến của các khu vực Donetsk, Lugansk và Kharkov".
Giới chuyên gia nhận định tình hình chiến sự trong giai đoạn này sẽ rất cam go, bởi khu vực miền đông Ukraine có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với cả Moskva lẫn Kiev.
Các trận chiến quyết định diễn ra ở đâu?
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố trọng tâm của giai đoạn hai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine là "giải phóng hoàn toàn" vùng Donbass, đặc biệt là các khu vực Lugansk và Donetsk.
Ngay trước chiến dịch, Tổng thống Vladimir Putin đã công nhận độc lập cho hai khu vực hiện do phe ly khai thân Nga kiểm soát thuộc miền đông Ukraine này.
"Nếu Nga kiểm soát được cả hai khu vực lớn, nó sẽ mang tới cho ông Putin một số thành quả hữu hình từ chiến dịch. Bước tiếp theo có thể sẽ là sáp nhập Donbass vào lãnh thổ, giống như cách Nga đã làm với bán đảo Crimea năm 2014", Paul Kirby, nhà phân tích kỳ cựu của BBC, nhận định.
Để chuẩn bị cho những trận chiến mang tính quyết định, Nga đã dành nhiều thời gian để tái triển khai lực lượng, điều động khí tài cũng như đưa thêm nguồn lực tiếp tế tới khu vực, hướng tới một thắng lợi cuối cùng.
Nhưng yếu tố địa hình ở miền đông Ukraine sẽ đặt ra thách thức lớn cho lực lượng Nga khi họ tiến công. Theo giới chuyên gia quân sự, vùng Donbass ít cây cối hơn so với miền bắc Ukraine, địa hình cũng bằng phẳng hơn, khiến lực lượng tăng thiết giáp của Nga không có chỗ ẩn nấp và dễ bị tổn thương hơn trước các loại hỏa lực diệt tăng của Ukraine.
Lực lượng Nga trong đêm 17/4 đã mở một đợt tấn công vào thành phố Kreminna thuộc vùng Lugansk và kiểm soát được mục tiêu này sau hai ngày giao tranh. Lực lượng phòng thủ Ukraine đã chủ động rút lui khi quân đội Nga tiến vào thành phố với một lượng lớn khí tài quân sự.
Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), trụ sở ở Washington, Mỹ, dự báo các mục tiêu khác sẽ không dễ dàng như vậy cho lực lượng Nga. Thành phố Slovyansk có thể sẽ là chiến trường then chốt tiếp theo của cuộc xung đột.
Nếu các lực lượng Nga tiến công từ thành phố Izyum thuộc tỉnh Kharkov có thể chiếm được Slovyansk, họ có thể lấy thành phố này làm bàn đạp để chọn tiến về phía đông theo hướng Severodonetsk nhằm bao vây nhóm tương đối nhỏ các lực lượng Ukraine, hoặc tiến xa hơn về phía nam để bao vây một đội quân Ukraine lớn hơn.
Một điểm nóng giao tranh khác là thành phố cảng Mariupol ở đông nam Ukraine. Nếu giành được Mariupol, lực lượng Nga có thể dồn quân để sẵn sàng hướng về phía bắc, tiến vào khu vực phía tây Donetsk.
Ukraine sẵn sàng phòng ngự đến mức nào?
Ben Barry, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), cho biết các lực lượng Ukraine ở vùng Donbass đã có nhiều năm chuẩn bị thế trận phòng thủ và quân đội Nga sẽ gặp phải không ít khó khăn khi đối đầu với họ.
Trong 8 năm giao tranh với phe ly khai ở miền đông, quân đội Ukraine đã triển khai những đơn vị tinh nhuệ, thiện chiến nhất tới Donbass. Họ cũng đã có quãng thời gian dài chuẩn bị hậu cần, trận địa cho một trận chiến lớn.
"Lực lượng Ukraine không chỉ đào những chiến hào chằng chịt theo kiểu Thế chiến I, mà họ còn biến các thị trấn, làng mạc quan trọng thành những pháo đài phòng thủ", ông nhận xét.
Theo ông, lực lượng thiết giáp của Ukraine cùng những khí tài hạng nặng khác đều đã được bố trí trong các ụ chiến đấu, hào đất hay lô cốt để chống chịu tốt hơn trước hỏa lực của Nga.
Nhiều binh sĩ Ukraine ở phía đông có kinh nghiệm thực chiến dày dặn sau nhiều năm giao tranh với phe ly khai. Quân số của họ cũng có thể được tăng cường nếu các chỉ huy quân sự Ukraine điều động những đơn vị bảo vệ Kiev và khu vực phía bắc đến miền đông sau khi Nga thay đổi trọng tâm chiến dịch.
Nga sẽ tấn công ra sao?
Theo Barry, Nga nhiều khả năng vẫn áp dụng chiến thuật "tiền pháo, hậu xung" truyền thống ở mặt trận Donbass. Trận chiến sẽ bắt đầu bằng màn pháo kích và không kích dữ dội nhằm "làm mềm" trận địa đối phương, phá vỡ các tuyến phòng ngự kiên cố của Ukraine, trước khi lực lượng bộ binh, thiết giáp xung phong.
Pháo binh là loại vũ khí hạng nặng có thể bắn đạn xa và uy lực hơn nhiều so với những vũ khí nhỏ. Nếu tấn công quân đội Ukraine bằng bộ binh mà không có pháo hạng nặng yểm trợ, lực lượng Nga có nguy cơ chịu thương vong rất lớn.
Nga có rất nhiều loại vũ khí để sử dụng cho chiến thuật này. Đặc biệt, pháo tự hành mà các lực lượng Nga biên chế với số lượng lớn sẽ là "yếu tố rất quan trọng", tác động mạnh tới cục diện chiến trường, Barry nói.
Pháo tự hành có hình dáng giống xe tăng, nhưng bắn đạn kiểu cầu vồng, chứ không nhắm trực tiếp vào mục tiêu. Khung thân và vỏ giáp của xe tăng giúp kíp pháo thủ được bảo vệ tốt hơn so với lựu pháo, đồng thời có thể cơ động rất nhanh khi phòng tuyến của đối phương bị phá vỡ.
Để tấn công các vị trí của Ukraine từ khoảng cách xa hơn, Nga đã triển khai nhiều hệ thống phóng rocket và có khả năng sẽ sử dụng chúng rất nhiều. Tổ hợp Grad của Nga có thể nạp 40 quả rocket và khai hỏa toàn bộ trong 20 giây, gây ra thiệt hại lớn cho đối phương.
Theo một số báo cáo, vũ khí nhiệt áp cũng đã được lực lượng Nga sử dụng ở nhiều vùng của Ukraine như Mariupol ở Donetsk và Izyum ở Kharkov.
Chúng có sức công phá lớn hơn nhiều so với các đạn thông thường có kích thước tương tự, nhờ cơ chế phân tán hỗn hợp chất cháy giống như một đám mây bao phủ mục tiêu, sau đó phát nổ, tạo ra quả cầu lửa khổng lồ và sóng xung kích mạnh.
Chuyên gia Samuel Cranny-Evans từ Viện các Quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), cho biết vũ khí nhiệt áp "được thiết kế chủ yếu cho chiến tranh đô thị" vì đám mây chất cháy có thể phân tán, len lỏi vào mọi không gian trong các tòa nhà trước khi phát nổ.
Nếu pháo binh phá hủy thành công các tuyến phòng thủ chủ chốt của Ukraine, Nga có khả năng sẽ triển khai bộ binh cùng nhiều loại thiết giáp bánh xích và xe tăng có hỏa lực hạng nặng để áp đảo mục tiêu.
Lực lượng không quân gồm tiêm kích bom và trực thăng vũ trang có thể cung cấp hỏa lực yểm trợ hiệu quả cho bộ binh.
Điều gì có thể cản trở lực lượng Nga?
Các nhà phân tích chưa rõ liệu các lực lượng Nga đã giải quyết được những vấn đề hậu cần nghiêm trọng mà họ gặp phải trong những tuần đầu tiên của chiến dịch hay chưa.
Các binh sĩ Nga khi đó được cho là đã gặp không ít khó khăn vì thiếu nhiên liệu, thực phẩm, nước uống cùng các thiết bị cơ bản như bộ đàm hay trang phục giữ ấm.
"Chìa khóa nằm ở khâu đào tạo, động lực chiến đấu và khả năng chỉ huy. Lực lượng Nga đã thể hiện chưa tốt ở Kiev và chúng tôi không biết liệu họ đã rút ra được kinh nghiệm hay chưa", Barry cho hay.
Các báo cáo cũng cho thấy tính đến thời điểm hiện tại, Nga đã mất nhiều khí tài quân sự hơn đáng kể so với Ukraine. Việc thay thế các thiết bị hỏng hóc cũng có thể đặt ra những thách thức nghiêm trọng.
Oryx, một trang web phân tích quân sự mã nguồn mở, ước tính Nga đã mất hơn 400 xe tăng, 20 máy bay và 32 máy bay trực thăng, cũng như hàng trăm xe bọc thép và các thiết bị khác trong 54 ngày giao tranh với lực lượng Ukraine.
Những tổn thất nhỏ hơn của Ukraine có thể phản ánh quy mô lực lượng vũ trang của Ukraine, nhưng cũng có thể cho thấy thành công về mặt chiến thuật của họ. Ukraine đã thu được một số khí tài lực lượng Nga bỏ lại, song chưa rõ mức độ hữu dụng của chúng.
Michael Kofman từ Trung tâm Phân tích Hải quân (CNA), trụ sở tại Mỹ, nhận định sẽ mất một thời gian trước khi Ukraine có thể sử dụng thuần thục những khí tài này để tạo ra khác biệt rõ ràng trên chiến trường.
Nếu chiến sự ở miền đông kéo dài, Nga có thể giành lợi thế quan trọng, nhất là khi nguồn hỗ trợ vũ khí của phương Tây cho Ukraine không đáp ứng đủ nhu cầu chiến trường, trong khi Nga có thể tự sản xuất khí tài phục vụ cho chiến dịch.
"Với mỗi bệ phóng tên lửa hoặc khẩu pháo bị phá hủy, quân đội Ukraine hầu như không có phương án thay thế. Nhưng Moskva vẫn có khả năng sản xuất, vì vậy quân đội Nga hoàn toàn có thể thay thế những khí tài bị thiệt hại. Vì vậy, khi xung đột kéo dài, cục diện sẽ dần có lợi cho Nga", chuyên gia Cranny-Evans từ RUSI bình luận.
Vũ Hoàng (Theo BBC)