Khi Quốc vương Maha Vajiralongkorn chào đón hàng nghìn người ủng hộ tại một cuộc tuần hành ở Bangkok tháng trước, camera đã quay cận cảnh ông và Hoàng hậu Suthida mỉm cười, vẫy tay chào những người trung thành đang vẫy cờ và cầm chân dung của họ.
Cũng có mặt trong đám đông là Hoàng quý phi Sineenat Wongvajirapakdi, đánh dấu sự trở lại của bà sau gần một năm bị phế truất mọi tước hiệu, huân chương và quân hàm vì âm mưu lật đổ Hoàng hậu và gây bất hòa trong cung điện.
Kể từ khi được phục vị hồi tháng 9, bà đã đến thăm nhiều tỉnh Thái Lan để gặp gỡ dân chúng, giữa lúc phong trào biểu tình ủng hộ dân chủ lan rộng khắp nước. Việc bà mặc sarong của từng địa phương được truyền thông ca ngợi không chỉ vì phong cách thời trang, mà còn thể hiện sự tôn trọng đối với văn hóa vùng miền.
Theo nhà khoa học chính trị Puangchon Unchanam, thuộc đại học Naresuan, vai trò của bà Sineenat, người còn được gọi là Koi, là thu hút cảm tình từ giới trẻ Thái Lan, bởi bà "trẻ trung, năng động, xinh đẹp, duyên dáng, thân thiện và vui vẻ".
Tuy nhiên, sự trở lại của Hoàng quý phi cũng làm dấy lên nhiều tin đồn trong cung điện, bao gồm suy đoán về kế hoạch nhằm lật đổ bà một lần nữa từ những người ủng hộ Hoàng hậu Suthida, đặc biệt là sau một vụ hàng trăm bức ảnh nhạy cảm của Sineenat được tung ra vào tháng trước.
Không rõ Nhà vua bắt đầu mối quan hệ với Hoàng hậu Suthida, 42 tuổi, và Hoàng quý phi Sineenat, 35 tuổi, từ lúc nào, nhưng đầu năm 2010, bà Suthida từng là thành viên đội cận vệ hoàng gia, còn bà Sineenat là một nhân viên hoàng cung từ năm 2012.
Khi Sineenat bị tước danh hiệu vào tháng 10 năm ngoái, nhiều người nghi ngờ đó là một nỗ lực trong hậu cung nhằm hủy hoại danh tiếng của bà. Số phận của Sineenat từng được cho là giống 3 người vợ cũ của Nhà vua Vajiralongkorn, những người đã công khai bị phế truất và phải sống lưu vong.
Việc Nhà vua phế truất Sineenat rồi sau đó lại phục vị, xóa bỏ mọi sai phạm của bà, được các nhà phê bình xem là bằng chứng về quyền lực lớn của quốc vương trong chế độ quân chủ.
"Quốc vương có thể chỉ định một ái phi, công khai xóa bỏ bà ấy, sau đó lại búng tay và đưa bà ấy trở lại nơi ở xa hoa của mình tại Đức", Tamara Loos, giáo sư lịch sử đại học Cornell, nói. "Ông ấy có thể đưa bà ấy đi khắp đất nước nhằm mục đích cứu vãn hình ảnh và xây dựng tiếng tăm của mình, như thể bà ấy chỉ là một phần mở rộng của ông ấy".
Mối quan hệ giữa Vua Vajiralongkorn và Hoàng quý phi Sineenat không được chấp thuận về mặt pháp lý bởi luật pháp Thái Lan không công nhận chế độ đa thê. Trong khi vai trò lịch sử của các phi tần là sinh ra người thừa kế ngai vàng, vai trò của Sineenat là gia tăng sự ủng hộ cho chế độ quân chủ.
Hôm 1/11, Sineenat cười rạng rỡ chào hỏi người ủng hộ theo cách mà các thành viên hoàng gia ít khi làm, như chụp ảnh cùng và bắt tay họ. Dù phong thái của bà có thể có lợi cho hoàng gia, vốn từ lâu được xem là khó gần, vị thế của Sineenat vẫn đặt ra nhiều vấn đề.
"Địa vị của cô ấy không phù hợp với các giá trị xã hội của giới trẻ ngày nay, những người cổ vũ chế độ một vợ một chồng, bình đẳng giới và tư tưởng nữ quyền trong xã hội Thái Lan", chuyên gia Puangchon nói.
Wan, 36 tuổi, một người biểu tình và tự nhận là một nhà nữ quyền, nói rằng dù cô không quan tâm đến chuyện ai đó lấy nhiều vợ, "việc Koi bị phế truất không theo một quy trình nào cho thấy người nắm giữ quyền lực tối cao của Thái Lan đối xử bất công với phụ nữ như thế nào".
"Khi Koi bị tước danh hiệu, cô ấy bị cáo buộc phá vỡ các quy tắc của hoàng gia áp dụng với người hầu cận. Cô ấy trước đó đã được tuyên bố là vợ của nhà vua, nhưng lại bị trừng phạt như một người hầu", Wan nói. "Đây không phải là hành động của một hình mẫu mà nhà vua được cho là đại diện".
Andrew McGregor Marshall, một nhà báo người Scotland đưa tin về hoàng gia Thái Lan suốt nhiều thập kỷ và bị chính phủ nước này buộc tội vi phạm luật khi quân, cho hay: "Hầu hết những người Thái tiến bộ đều đặt câu hỏi tại sao Quốc vương của họ có thể công khai khoe hai người vợ, bên cạnh nhiều phụ nữ khác trong hậu cung của ông ấy, những người mà hoàng gia cố gắng che giấu".
Giữa cuộc khủng hoảng chính trị bên ngoài, hoàng gia Thái Lan được cho là cũng đang trải qua cuộc khủng hoảng riêng trong nội bộ. Tháng qua, ít nhất hai nhà quan sát cho hay có một âm mưu mới nhằm lật đổ bà Sineenat từ cùng nhóm người đã nhắm vào bà năm ngoái.
Pavin Chachavalpongpun, một người tị nạn chính trị Thái Lan và học giả đại học Kyoto, hồi tháng 11 cho biết ông nhận được một bộ ảnh cá nhân của Hoàng quý phi, một số bức đã được ông chia sẻ lên Facebook.
McGregor Marshall cho hay ông cũng nhận được 1.443 bức ảnh của Sineenat "ngay trước khi bà được phóng thích khỏi nhà tù phụ nữ Lat Yao ở Bangkok và sang Đức ngày 29/8 để gặp Vua Vajiralongkorn".
Những bức ảnh "được lấy từ 3 chiếc iPhone mà Koi từng sử dụng", ông nói. "Hầu hết là ảnh cô ấy tự chụp mình và có hàng chục bức rất hở hang. Có khả năng cô ấy đã tự chụp những bức ảnh đó để gửi cho ông Vajiralongkorn".
Trên Facebook, Marshall viết rằng sự trở lại của Sineenat vấp phải "phản đối khá gay gắt" từ những người trung thành với Hoàng hậu Suthida và Công chúa Bajrakitiyabha, con cả của Nhà vua. "Có thể những bức ảnh của Koi bị rò rỉ nhằm phá hoại sự trở lại của cô ấy với tư cách là quý phi của Vua Vajiralongkorn".
Trên mạng xã hội cũng diễn ra một cuộc chiến ngầm giữa người ủng hộ của hai bên. Họ theo dõi trang phục, tóc tai và trang sức mà Hoàng hậu và Quý phi mặc, nhiều bộ trong đó thuộc về các hoàng hậu hay quý phi trước đây.
Trên trang Facebook "Thiếu tướng Chao Khun Phra Sineenat Bilaskalayani", người ủng hộ Sineenat ca ngợi việc bà mặc các bộ trang phục địa phương Thái Lan khi đến thăm các tỉnh.
Trên trang Facebook "Chúng tôi yêu Hoàng hậu Suthida", một người nhấn mạnh bà đã kiên nhẫn chờ đợi khi đoàn xe tháp tùng đi qua đoàn người biểu tình cách đây vài tuần và khẳng định bà luôn được ủng hộ.
Trên trang Instagram của người hâm mộ Suthida không có bức ảnh nào của Sineenat, và ngược lại. Cả hai không bao giờ xuất hiện cùng nhau trước công chúng. Khi họ cùng tham dự một sự kiện, họ hầu như không nhìn nhau, đặc biệt là trong lễ đăng quang của Nhà vua năm ngoái.
Nhà báo Marshall cho rằng "cuộc chiến quyền lực xấu xí" trong hậu cung Thái Lan do "đời sống tình cảm phức tạp" của Nhà vua có thể nghiêm trọng hơn khi bà Sineenat và bà Suthida tiếp tục cạnh tranh vị thế và ân sủng.
"Việc trừng phạt Sineenat trước đây đã làm tổn hại thêm danh tiếng mà toàn bộ câu chuyện này gây ra cho chế độ quân chủ Thái Lan", Marshall nói, thêm rằng bà Suthida sẽ "nhìn vào số phận 3 người vợ trước của Vua Vajiralongkorn với sự lo lắng lớn".
"Sự cạnh tranh gay gắt giữa hai người phụ nữ là điều tự nhiên và điều này sẽ gây ra tình trạng bè phái và bất ổn trong cung điện. Rất khó để tình huống này kết thúc êm đẹp", ông nhận định.
Anh Ngọc (Theo SCMP)