Vài giờ trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận lời gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi tuần trước, Ngoại trưởng Rex Tillerson đã tuyên bố trước các phóng viên rằng Washington "còn cả quãng đường dài" mới có thể đàm phán trực tiếp với Bình Nhưỡng. Đây là bất đồng mới nhất và có lẽ là "giọt nước tràn ly" trong chuỗi sự kiện thể hiện mối quan hệ ngày càng rạn nứt giữa ông chủ Nhà Trắng với người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ, theo CNN.
Tổng thống Trump hôm qua bất ngờ thông báo trên Twitter quyết định sa thải ông Tillerson và thay thế ông bằng Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo. Giới chuyên gia nhận định đây là kết quả đã được dự đoán trước dựa trên những "va chạm" liên tục nảy sinh giữa ông Trump và ông Tillerson thời gian gần đây.
Thời điểm mối quan hệ bắt đầu rạn nứt nghiêm trọng được cho là từ mùa thu năm ngoái, trước thông tin rằng ông Tillerson từng gọi ông Trump là "gã ngốc", song Ngoại trưởng Mỹ phủ nhận. Đồn đoán về việc Ngoại trưởng Tillerson phải ra đi lên đến đỉnh điểm hồi tháng 11/2017 khi kế hoạch loại ông khỏi Bộ Ngoại giao được truyền thông loan tin rầm rộ.
Tuy nhiên, cả Nhà Trắng lẫn Tillerson đều bác bỏ tin đồn này, người đứng đầu Bộ Ngoại giao khẳng định vẫn mong muốn phục vụ trong chính quyền Trump.
Nhưng hơn ba tháng sau, đến lúc mọi thứ thực sự diễn ra, Tillerson và đội ngũ của mình vẫn bị choáng váng bởi thông báo từ Nhà Trắng, nhấn mạnh họ chưa bao giờ tin vào những lời đồn thổi rằng ông sẽ ra đi.
"Ngoại trưởng luôn muốn ở lại vì những tiến bộ đã đạt được về an ninh quốc gia", Thứ trưởng phụ trách các vấn đề công Bộ Ngoại giao Mỹ Steve Goldstein khẳng định. "Ngoại trưởng chưa nói chuyện với Tổng thống và vẫn không biết lý do".
Ông Goldstein sau đó xác nhận với CNN rằng Chánh văn phòng Nhà Trắng Kelly đã gọi cho ông Tillerson để thông báo kế hoạch thay đổi nhân sự nhưng không thông báo rằng quyết định sẽ được đưa ra vào ngày 13/3, ngay sau khi Tillerson kết thúc chuyến công du đến châu Phi.
Theo ông Goldstein, Ngoại trưởng Tillerson chỉ biết mình bị sa thải thông qua Twitter, vài giờ trước khi nhận thông báo chính thức trực tiếp từ Nhà Trắng.
Thời điểm ra quyết định sa thải Ngoại trưởng Tillerson cũng khiến các cố vấn Nhà Trắng bất ngờ, ngay cả đối với những người đã được thông báo vài ngày trước đó, hai nguồn tin am hiểu vấn đề tiết lộ. Tối 12/3, họ vẫn không hay biết "quả bom" sẽ phát nổ vào ngày hôm sau.
Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Tillerson từng nhiều lần nảy sinh bất đồng về đường hướng ngoại giao nhưng dường như dễ nhận thấy và được thể hiện công khai hơn cả là trong vấn đề xử lý cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, theo bình luận viên Jeremy Diamond.
Ông Trump hồi tháng 10/2017 thể hiện thái độ phản ứng gay gắt khi ông Tillerson gợi ý rằng ngoại giao là con đường đúng đắn nhất để giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Ông chủ Nhà Trắng trước đó vừa đưa ra tuyên bố sẽ trút "lửa giận" và "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên.
Ở phía hậu trường, nhiều nguồn tin cho hay hai nhà lãnh đạo này không tìm được tiếng nói chung về cách tiếp cận của Mỹ đối với hàng loạt vấn đề như thỏa thuận hạt nhân Iran, cuộc chiến tranh ở Afghanistan, chính sách thương mại hay việc đặt Đại sứ quán Mỹ tại Israel.
Hy vọng
Vài giờ sau khi ông Tillerson nhận được điện thoại của Kelly khi đang ở thủ đô Nairobi của Kenya hôm 9/3, Bộ Ngoại giao thông báo ông sẽ thay đổi lịch trình công du châu Phi vì lý do sức khỏe.
Hai ngày sau, ông cắt ngắn chuyến đi. Người phát ngôn của ông giải thích rằng Ngoại trưởng cần trở về Washington để tham dự một số cuộc họp khẩn. Nhưng khi trả lời báo chí về lý do rút ngắn chuyến công tác trên chuyến bay trở về Mỹ, ông Tillerson lại không đề cập gì tới "các cuộc họp khẩn cấp". Thay vào đó, ông tiếp tục dẫn lại lý do sức khỏe bất ổn, bắt nguồn từ việc ông bị thiếu ngủ nhiều ngày và vì những cuộc gọi bất ngờ lúc nửa đêm.
"Đêm tiếp theo tôi nhận một cuộc gọi khác lúc 2h30. Nó khiến tôi tỉnh giấc và tôi gần như thức trắng đêm đó. Đấy là tối thứ 6", ông Tillerson cho biết. Cuộc gọi trên sau đó được xác nhận là từ chánh văn phòng Nhà Trắng Kelly. "Rồi tới đêm qua, tôi chỉ ngủ ba tiếng. Tôi nghĩ mình cần trở về".
Dù vậy, trên cùng chuyến bay, ông Tillerson vẫn thể hiện sự tin tưởng vào tương lai của mình trong chính quyền Trump. Khi được hỏi về vấn đề đối thoại với Triều Tiên, Ngoại trưởng Mỹ cho hay ông đang cố gắng giúp kết hợp các nỗ lực trong chính quyền trước những cuộc gặp cấp cao quan trọng và chuẩn bị cho Tổng thống gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên, dự kiến vào tháng 5.
"Tôi có niềm tin vào khả năng của mình để có thể kiến tạo những điều kiện cần thiết cho các cuộc đàm phán thành công giữa hai bên với vô vàn khác biệt", ông nói, đề cập tới cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Kim Jong-un. "Nhưng tôi không phải người duy nhất làm việc này. Những người khác cũng đang tham gia".
Vũ Hoàng