Các bác sĩ nội trú Hàn Quốc đầu tuần này nộp đơn xin nghỉ việc tập thể nhằm phản đối việc chính phủ đưa ra chương trình cải cách đào tạo ngành y, kêu gọi tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường y thêm 2.000 người mỗi năm từ 2025.
Hơn 9.200 bác sĩ nội trú, chiếm hơn 70% đội ngũ bác sĩ trẻ của Hàn Quốc, đã nộp đơn xin nghỉ việc tập thể, trong đó hơn 7.800 người đã rời khỏi nơi làm việc. Gần 12.000 sinh viên y trên toàn quốc cũng nộp đơn xin nghỉ học, chiếm gần 63% tổng sinh viên y khoa Hàn Quốc.
Làn sóng đình công diện rộng này gây ra nhiều vấn đề trong hệ thống y tế Hàn Quốc. Nhiều bệnh viện lớn nhất Hàn Quốc phải giảm 50% công suất hoạt động, từ chối nhận bệnh nhân hoặc hủy các cuộc phẫu thuật, làm dấy lên lo ngại hệ thống y tế bị gián đoạn nếu phong trào biểu tình của các bác sĩ nội trú kéo dài.
Bộ Y tế Hàn Quốc tối 22/2 nâng cảnh báo y tế lên mức nghiêm trọng. Chính phủ yêu cầu các bác sĩ quay lại làm việc, kêu gọi đối thoại với chính phủ, song họ dường như không có dấu hiệu nhượng bộ. Chính phủ cũng chỉ đạo lãnh đạo các bệnh viện bác đơn xin nghỉ việc của bác sĩ thực tập.
Kế hoạch cải cách ngành y được chính phủ Hàn Quốc đưa ra bởi nước này là một trong những quốc gia có tỷ lệ bác sĩ trên bệnh nhân thấp nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Năm 2023, Hàn Quốc có 2,2 bác sĩ trên 1.000 bệnh nhân, thấp hơn mức trung bình của OECD.
Đây cũng sẽ là lần đầu tiên Hàn Quốc tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y sau 27 năm, nhằm đối với tình trạng xã hội già hóa nhanh chóng. Hàn Quốc dự kiến thiếu 15.000 bác sĩ vào năm 2035, thời điểm người cao tuổi dự kiến chiếm 30% dân số.
Theo chính phủ, kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y sẽ phần nào giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ, hứa hẹn có thêm 2.000 sinh viên y tốt nghiệp vào năm 2031 sau khi hoàn thành 6 năm học.
Nhưng trái với quan điểm của chính phủ, các bác sĩ nội trú nói đất nước không cần thêm bác sĩ vì đã có đủ, việc thay đổi chính sách sẽ làm giảm chất lượng y tế quốc gia, với lập luận rằng dân số đang giảm và người Hàn Quốc vốn dễ tiếp cận dịch vụ y tế. Mức độ điều trị ngoại trú trung bình trên mỗi người dân nước này là 14,7 lần một năm, cao hơn mức trung bình của OECD.
Các bác sĩ thực tập chỉ ra một vấn đề của ngành y Hàn Quốc hiện nay là tình trạng thiếu nhân sự và chênh lệch thu nhập ở các khoa thiết yếu nhưng "kém hấp dẫn" như nhi khoa, sản khoa và phụ khoa.
Họ cho rằng các bác sĩ không mặn mà với những khoa này do dịch vụ mà họ cung cấp thường có chi phí thấp hơn các khoa "hấp dẫn" như phẫu thuật thẩm mỹ, da liễu, nơi viện phí do các bác sĩ tự đưa ra, thay vì được bảo hiểm y tế quy định. Họ viện dẫn chi phí sinh con thấp hơn nhiều so với số tiền bỏ ra cho một thủ thuật điều trị da bằng laser đơn giản, khiến nhiều sinh viên đổ xô đăng ký ngành phẫu thuật thẫm mỹ thay vì sản khoa.
Chính phủ Hàn Quốc cho rằng các khoa thiết yếu có chi phí thấp sẽ được hưởng lợi từ chính sách bảo hiểm y tế mới mà họ vừa công bố đầu tháng này. Theo chính sách mới, bảo hiểm sẽ hỗ trợ tài chính cho khoa nhi, khoa chăm sóc tích cực, tâm thần, truyền nhiễm tùy theo mức độ khẩn cấp, khó khăn và rủi ro trong quá trình điều trị ca bệnh.
Nhưng các bác sĩ nội trú lại nhấn mạnh tăng tuyển sinh ngành y sẽ không giúp lấp đầy khoảng trống nhân sự trong các khoa thiết yếu, mà chỉ tăng cạnh tranh trong các khoa "hấp dẫn", đặc biệt ở các bệnh viện Seoul.
Sóng đình công tuần qua không phải lần đầu tiên các bác sĩ Hàn Quốc phản đối kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y. Trong thời điểm đại dịch Covid-19 hoành hành, nhiều bác sĩ nội trú đã đình công, buộc chính phủ rút lại kế hoạch.
Các bác sĩ cũng cho rằng chính phủ cần giải quyết điều kiện làm việc cho họ trước khi tính tới tăng số lượng nhân viên y tế. Bác sĩ nội trú Hàn Quốc thường phải làm việc 80-100 giờ trong 5 ngày mỗi tuần, tương đương 20 tiếng mỗi ngày, khiến nhiều người cảm thấy quá tải.
Họ cho rằng tình trạng này chỉ có thể được cải thiện bằng cách tuyển thêm bác sĩ nhiều kinh nghiệm, không phải tăng thêm số sinh viên và bác sĩ mới ra trường. Hiệp hội Y tế Hàn Quốc (KMA), đại diện đa số bác sĩ ở nước này, còn cáo buộc kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y là một biện pháp dân túy nhằm củng cố vị thế của chính phủ trước thềm bầu cử.
Công chúng Hàn Quốc và nhiều tổ chức y tế khác lại ủng hộ kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y. Khảo sát từ Công đoàn Y tế Hàn Quốc (KMHU) cuối 2023 cho thấy gần 90% công chúng ủng hộ tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y, tăng gần 20% so với năm 2022.
Nhưng các bên ủng hộ cũng nhấn mạnh kế hoạch tăng bác sĩ sẽ chỉ có hiệu quả khi đi kèm với các biện pháp nâng cao vị thế của hệ thống y tế công, thừa nhận thị trường hóa y tế là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều chuyên khoa kém thu hút hơn.
"Ngay cả khi tăng đào tạo hàng nghìn bác sĩ, không có gì đảm bảo họ sẽ vào các khoa thiết yếu hay bệnh viên công", Liên đoàn Các nhóm hoạt động vì quyền y tế Hàn Quốc (KMFA) cho biết.
Đức Trung (Theo Korea Herald, People Dispatch)