![]() |
Điện thoại trở thành cục gạch nơi cửa khẩu |
Đang lúng túng với 2 chiếc "cục gạch" sử dụng mạng di động 098 của Viettel và 090 của MobiFone thì anh Hùng phát hiện giữa tàu có 1 hành khách đang nói chuyện qua điện thoại di động một cách gấp gáp. Anh lân la hỏi thăm thì được biết tuy dùng mạng MobiFone nhưng nhờ đã Roaming (hòa mạng) quốc tế nên vẫn có thể dùng sóng điện thoại di động của Trung Quốc để gọi. “Ở trên đất Việt Nam, gọi điện thoại vào máy của người Việt Nam, nhưng mỗi phút như thế này tôi phải trả cho mạng nhà cung cấp dịch vụ Trung Quốc hơn 1 USD đấy”, vị khách giải thích.
Trường hợp tương tự cũng xảy ra đối với anh Nam ở Giảng Võ, Hà Nội. Anh cho biết, giữa tháng 6, anh cùng một nhóm bạn có việc phải lên cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn). Vừa đặt chân đến cửa khẩu, 2 chiếc điện thoại của anh và một số vị khách khác đều rung lên bởi tin nhắn: “Chúc mừng bạn đã đến Trung Quốc và sử dụng mạng China Unicom...”.
Tuy nhiên, khi anh rút máy ra định gọi thì phát hiện 5 cột sóng trên máy là sóng của Trung Quốc và anh không thể thực hiện được các cuộc gọi về Việt Nam. "Giữa thời buổi thông tin là vàng mà ở cửa khẩu quan trọng như thế này, các nhà cung cấp điện thoại di động của Việt Nam lại để sóng ngoại lấn át", anh Nam bức xúc.
Theo anh Nam, việc Roaming giữa các mạng MobiFone, Viettel với mạng VinaPhone không thể thực hiện ở đây, trong khi Roaming với các mạng điện thoại di động khác của Trung Quốc lại quá dễ dàng. "Không tính đến việc gọi đi, chỉ mỗi chuyện nghe điện thoại gọi tới, khách sử dụng mạng MobiFone có Roaming quốc tế cũng đã phải trả cho việc “mượn” sóng điện thoại nước bạn tới cả đôla cho mỗi phút kết nối", anh Nam cho biết thêm.
Tương tự, tình trạng nói trên cũng đã diễn ra ở các tỉnh biên giới phía Nam, nơi có các cửa khẩu biên giới giáp với Campuchia. Theo một số chuyên gia trong ngành thì tuy là nước nhỏ và có dân số ít (khoảng hơn 13 triệu người), nhưng Campuchia có tới cả chục mạng điện thoại di động. Nước này còn mạnh dạn mở cửa cho nước ngoài vào đầu tư, kết quả là diện phủ sóng không chỉ rộng, mạnh mà giá cước gọi chỉ bằng 20-40% so với giá của các mạng điện thoại Việt Nam hiện hành.
Điều này giải thích tại sao các trạm điện thoại công cộng ở thủ đô PhnomPenh, Campuchia do người dân tự dựng lên đều dùng điện thoại di động với giá cước dịch vụ tùy theo mạng mà dao động trong khoảng 200-300 rien/phút (tương tương 800 đến 1.200 đồng). Còn nếu như bỏ tiền ra mua thẻ để nạp vào điện thoại di động, tùy theo mạng giá gọi chỉ 2-3 cent USD/phút (bằng 300-500 đồng).
"Chính với giá cước thấp như vậy nên Campuchia tuy được xếp là nước nghèo hơn Việt Nam, nhưng người dân ở thủ đô PnomPenh từ vài năm nay chẳng mấy ai còn sử dụng điện thoại để bàn ở nhà", một chuyên gia viễn thông nhận xét.
Nhiều người dân giáp khu vực biên giới sử dụng số điện thoại Trung Quốc để tiết kiệm. Anh Huệ ở Móng Cái (Quảng Ninh) cho biết, trừ bà mẹ ở nhà nội trợ, còn mấy bố con anh mỗi người dùng một số máy sử dụng mạng Trung Quốc để liên hệ với bạn hàng.
“Sóng Trung Quốc phủ vào đến tận Km15 (sâu vào đất liền Việt Nam 15 km) nên nếu chỉ hoạt động ở trong thị xã Móng Cái thì cứ vô tư mà alô”, anh giải thích. Theo anh, do tính chất công việc là làm ăn buôn bán nên hằng ngày anh phải liên hệ với bạn hàng rất nhiều. Nhưng dùng mạng Trung Quốc, anh chỉ tốn hơn 100 NDT mỗi tháng (khoảng hơn 200.000 đồng Việt Nam). “Với cách gọi như vậy mà dùng mạng di động Việt Nam thì chắc chắn tôi phải tốn vài ba triệu đồng cho mỗi tháng”, Huệ so sánh.
Trao đổi với VnExpress về việc "thủng lưới" trên sân nhà này, ông Phạm Quang Hảo, Phó giám đốc Công ty VinaPhone thừa nhận, đây là vùng biên giới hẻo lánh, chất lượng phủ sóng còn kém. "Chúng tôi đang tích cực bổ sung trạm phát sóng, tuy nhiên, tình hình cũng không cải thiện được bao nhiêu do phía nước ngoài không tuân thủ quy định chung về tần số phát sóng", ông Hảo cho biết.
Ông Tống Viết Trung, Giám đốc Công ty Thông tin Di động Viettel Mobile thì cho rằng, việc phủ sóng ở những khu vực cửa khẩu cũng nằm trong chiến lược phát triển của công ty, bởi đây là những vùng trọng điểm có nhiều khách qua lại. Viettel đang tiến hành triển khai lắp đặt 3 trạm tại cửa khẩu Móng Cái với sức tải khoảng 3.600 thuê bao. Còn cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị Lạng Sơn sẽ có 2 trạm có sức chứa khoảng 2.400 thuê bao. Dự kiến đầu tháng 9 tới, những trạm phát này chính thức đi vào hoạt động.
Hồng Anh