Đồng cảm với câu chuyện người dân thỏa hiệp với cái xấu trong bài viết "Xã hội song song", độc giả Bui Hien chia sẻ chính trường hợp của bản thân:
"Khi tôi bị gã hàng xóm hung hãn bắt nạt, những người hàng xóm khác chỉ lặng thinh, không ai nói gì, dù giữa họ và tôi có quan hệ rất tốt. Tôi đem câu chuyện kể với bạn bè hòng tìm giải pháp, ai cũng nói "thôi một điều nhịn bằng chín điều lành", "thiền đi, cho biết cách chế ngự cơn giận dữ"... Tức là nhất loạt khuyên tôi chịu đựng. Thật ngạc nhiên khi chúng ta hầu hết không còn bản năng chống lại cái xấu. Nhưng, khi tôi tự giải quyết vấn đề của mình bằng cách phản kháng theo kiểu xã hội đen, thì lại được việc. Gã kia đã sợ mà không dám bắt nạt tôi nữa. Chúng ta đang sống trong xã hội gì vậy?".
Trả lời cho câu hỏi vì sao người dân sẵn sằng thỏa hiệp thay vì đứng lên chống lại cái xấu, bạn đọc Bta cho rằng:
"Là con người ai cũng biết rất rõ đúng sai, và ai cũng muốn sống yên ổn, hoà bình. Thử hỏi nếu họ đứng ra tố cáo, đứng ra chống lại những cái sai trái kia. Họ được ai bảo vệ? Người xưa có câu: "Đòi được vạ, má đã sưng". Khi người dân không dám đứng ra chống lại cái ác hiện hữu thì vấn đề không nằm ở họ. Mà đây là vấn đề của xã hội, của luật pháp. Điển hình là những vụ trộm chó, giết người là sai hoàn toàn, nhưng bị trả thù thì ai là người gánh chịu hậu quả?
Khi người dân không thấy được bảo vệ kịp thời thì họ sẽ đi tìm niềm tin vào nơi mà họ cho là có thể tin".
"Những người dân bình thường chỉ mong một cuộc sống yên bình. Nên ai cũng đặt tính mạng của mình gia đình lên trên hết. Họ chấp nhận vì không thấy được bảo vệ. Họ không muốn sống trong sự lo sợ. Và cái xã hội song song cứ thế tồn tại", độc giả Motchutdamme đồng tình.
>> Đám trẻ reo hò nơi tòa xử Khá 'Bảnh'
Nói rõ hơn về sự tồn tại của các thế lực xã hội đen, bạn đọc Thấp Cổ Bé Họng khẳng định:
"Không phải xã hội thừa nhận các xã hội song song đó. Mà là khi mở mắt ra, bước ra xã hội, với những người có quyền lực, có địa vị, có sự giàu có thì cuộc sống của họ sẽ dễ hơn vì không thấy nhiều điều bất công, khoảng cách giàu nghèo, kẻ xấu lộng hành như ở tầng lớp thấp hơn. Còn với tầng lớp phổ biến của xã hội thì việc ngầm dung dưỡng cho các nội dung mạng mang tính anh em huynh đệ nghĩa hiệp... như một hy vọng của sự vô vọng về niềm tin sự công bằng. Nếu một xã hội không cần có các hiệp sĩ đường phố, không có các quan tham nghìn tỷ, không có các kẻ xấu lộng hành cùng tiếp tay của người có chức quyền biến chất... thì chẳng ai thất vọng để dung dưỡng những nội dung đó. Và khi ấy, cũng chẳng có đất sống cho xã hội song song".
Thừa nhận việc làm ngơ trước cái xấu là hèn nhát, nhưng độc giả Dung cho rằng rất khó để người dân dám đứng lên phản kháng lại:
"Xã hội bây giờ chẳng biết ai anh hùng, ai không? Chỉ có điều, nếu như người ta phản ứng lại, chắc cũng sẽ nhận lấy nhiều thiệt thòi, vì chẳng ai dám đứng ra bênh vực. Thực tế, nhiều trường hợp mất mạng oan vì dám phản kháng lại những kẻ giang hồ vặt như thế. Vậy nên, theo phản xạ tự nhiên, họ sẽ chọn cách tránh né. Người xưa từng nói: "Tránh voi chẳng xấu mặt nào", và vẫn đúng với xã hội bây giờ. Tôi cũng dạy con mình phải tránh, dù biết là hèn nhưng không làm khác được".
Theo bạn vì sao nhiều người chọn thỏa hiệp thay vì đấu tranh, chống lại cái xấu?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiếntại đây.