Cuối tháng 12/2021, người dân làng Xuân Tùy, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, vẫn chèo thuyền đi lại. Cứ mưa lớn kéo dài, thủy điện Hương Điền xả lũ, ngôi làng với hơn 200 hộ dân nằm cạnh sông Bồ lại bị nước lũ bủa vây.

Khu vực xã Quảng An, Quảng Thành bị nước lũ bủa vây trong trận lũ tháng 10/2021. Ảnh: Võ Thạnh
Ông Phạm Văn Hà, Trưởng thôn Xuân Tùy, xã Quảng Phú, nói lũ lụt là "bạn đồng hành" của người dân nơi đây. Từ xa xưa nhà nào cũng làm gác cất giữ lúa thóc, leo lên trú tránh lúc lũ lớn và sắm chiếc thuyền đi lại. Như năm trước, nước lũ gây ngập làng cả tháng mới rút, song cuộc sống người dân vẫn diễn ra bình thường. Chỉ những trận lũ lịch sử như năm 1999, nước từ thượng nguồn đổ về nhanh, mưa lớn kéo dài mới khiến người dân trở tay không kịp.
"Trong trận lũ năm 1999, cái gác tra sát nóc nhà đã giúp gia đình tôi bảo toàn tính mạng. Nhà cũ phá đi, nhà mới xây dựng sau này tôi đã nâng móng cao hơn mặt đường xóm hơn một mét và làm gác lửng", ông Hà nói. Mùa mưa lũ vào các tháng 9-12 nên gia đình ông thường gieo sạ sau lũ và nuôi trâu, vịt, những vật nuôi thích nghi với ngập lụt tốt hơn là con bò, gà.
Sau những đợt mưa lũ kỷ lục, dân làng Xuân Tùy ngày càng tích lũy thêm kinh nghiệm ứng phó. Nhiều năm qua, ngoài xây nhà móng cao, người dân chủ động kê đồ đạc, tài sản lên cao để tránh thiệt hại. Gia đình neo đơn, thấp trũng tìm đến nhà cao tránh lũ. Cứ nghe đài dự báo mưa lũ, các gia đình lại dự trữ mì tôm, trứng gà, nước sạch để phòng trường hợp lũ kéo dài. Nhiều nông dân chuyển sang trồng các loại rau ngắn ngày, hợp mưa lũ như rau má.

Người dân chèo thuyền đi lại trong mưa lũ. Ảnh: Võ Thạnh
Nằm ở hạ lưu sông Bồ, xã Quảng An với hơn 2.900 hộ dân, gần 12.000 nhân khẩu, được xem là vùng thấp trũng của huyện Quảng Điền. Do năm nào cũng bị ngập nên nhà dân đều dựng thêm gác lửng để cất giữ đồ đạc, trú ngụ lúc lũ lớn.
Nông dân thường gieo cải, bầu trên các khu đất cao trong vườn hoặc gieo trong chậu đất để kịp di chuyển khi lũ lên. Cuối tháng 12, khi lũ rút, bà con lại đưa cây ra ruộng trồng. Nhiều hộ nuôi cá trên sông Bồ, đầm phá Tam Giang, cũng tính thời gian nuôi để thu hoạch trước khi mưa lũ đến.
Mùa lũ người dân đều chuẩn bị nhu yếu phẩm sử dụng trong 7-10 ngày. Các thôn xóm sẵn sàng phương án 4 tại chỗ, gồm con người, vật tư, lương thực, hậu cần để ứng phó. Ông Nguyễn Văn Hiền, Bí thư xã Quảng An, đánh giá phương án này đã giảm thiệt hại về người cũng như cơ sở vật chất. Vì thế từ sau trận lũ lịch sử năm 1999 làm 3 người chết, rất ít người trong xã chết do mưa lũ.
Nhiều năm qua người dân Quảng An không sợ lũ lụt mà chỉ ngại bão vì kèm với gió mạnh. Xu hướng làm nhà kiên cố chống bão lũ được áp dụng rộng rãi. Nhà nào cũng cố gắng xây móng cao, dựng thêm gác lửng, đưa các công tắc điện lên cao hơn bình thường...

Người dân dùng rớ đánh bắt cá khi lũ về. Ảnh: Võ Thạnh
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, cũng đánh giá mưa lũ đã trở thành "bạn đồng hành" với người dân. Cứ khi nào gió mùa Đông Bắc tăng cường gặp nhiễu gió đông trên cao thì địa phương lại mưa to, lũ lên nhanh. Trung bình mỗi năm thiên tai ở Thừa Thiên Huế cướp đi 26 sinh mạng, thiệt hại tài sản 355 tỷ đồng, chiếm khoảng 8% GDP của tỉnh, trong đó chủ yếu do mưa lũ.
Nhiều năm trở lại đây, số người chết và thiệt hại do mưa lũ đã giảm so với trước. "Người dân vùng thấp trũng nắm được quy luật mưa lũ, lên các phương án phòng tránh và kế hoạch mùa vụ phù hợp. Các địa phương cũng chủ động phương án bốn tại chỗ về phòng tránh lụt, bão mà tỉnh đưa ra", ông Hùng nói.
Sau trận lũ năm 2020, nhiều trạm đo mưa cũng được lắp đặt tại các hồ thủy điện, thủy lợi và vùng thấp trũng ở Thừa Thiên Huế. Hiện nay, tỉnh có 24 trạm đo lượng mưa. Các trạm mới lắp đặt đều được kết nối về Trung tâm Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn. Với hệ thống trạm đo mưa dày hơn, việc cảnh báo đến với người dân sẽ chính xác hơn.
Thừa Thiên Huế là một trong những nơi mưa nhiều nhất cả nước. Tổng lượng mưa mỗi năm 2.700-3.800 mm. Riêng Vườn quốc gia Bạch Mã mưa lớn nhất cả nước, trung bình năm 7.000-8.000 mm, riêng năm 2011 tới 8.660 mm, cao gấp 5,4 lần so với nơi mưa ít nhất nhì cả nước là La Gi (Bình Thuận), chỉ 1.600 mm.
Võ Thạnh