Những ngày Tết Dương lịch, TP Huế mưa dầm, dự báo kéo dài đến 8/1. Mưa cùng với dịch bệnh Covid-19 phức tạp khiến những con đường trong thành phố vắng người hơn mọi ngày. Trong cơn mưa, những công nhân của Trung tâm Công viên cây xanh Huế vẫn cắt tỉa cành phượng, long não vươn ra trên đường Lê Lợi. Công nhân môi trường đô thị vẫn gom rác, khơi thông cống rãnh.
Ngồi co ro trên chiếc xích lô cạnh chợ Đông Ba, ông Trần Thức, 70 tuổi, ở phường Hương Sơ, TP Huế, nói mưa kéo dài đã trở thành "đặc sản" của Huế, đi vào thơ ca, nổi tiếng với bài hát "Mưa trên phố Huế". Người dân ra đường khi nào dưới cốp xe cũng có chiếc áo mưa. Với những người lao động ngoài trời như ông, mưa ẩm ướt đã ảnh hưởng lớn đến thu nhập.
"Năm trước, tôi chở mấy người khách ở Hà Nội, Sài Gòn. Họ bảo đến Huế vào mùa mưa, nhìn đường phố buồn lắm. Cả tuần họ chỉ ở trong phòng khách sạn ngắm mưa cho hết thời gian, không đi đâu cả. So với mùa hè, mùa mưa rất ít khách thuê chở đi tham quan đường phố, di tích, đó là chưa kể phải ở nhà chống lụt", ông Thức chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn của tỉnh, khẳng định Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương có lượng mưa lớn nhất cả nước, trung bình hàng năm 2.700-3.800 mm. Mưa phân bố không đồng đều, vùng đồng bằng và TP Huế tổng lượng mưa trung bình nhiều năm là 3.010 mm, vùng A Lưới 3.720 mm, vùng Nam Đông 3.780 mm.
Thời tiết trên địa bàn không có sự khác biệt rõ ràng giữa mùa mưa và mùa khô mà chỉ có mùa mưa và mùa ít mưa. Mùa ít mưa từ tháng 1 đến 8 với tổng lượng chỉ đạt 25-33% cả năm. Mùa mưa từ tháng 9 đến 12 và như năm nay đến muộn nên kéo dài đến tháng 1 năm sau. Vào mùa này, thường có những đợt mưa kéo dài liên tục 7-10 ngày. Trung bình một năm vùng đồng bằng và TP Huế có 166,8 ngày mưa, huyện miền núi A Lưới 232,7 ngày và Nam Đông 206,1 ngày.
Thừa Thiên Huế có hai trung tâm mưa lớn, thứ nhất là Bạch Mã, Thừa Lưu, Nam Đông, Phú Lộc với lượng mưa hàng năm 3.400-4.000 mm, có năm trên 5.000 mm. Riêng Bạch Mã mưa lớn nhất cả nước, trung bình năm khoảng 7.000-8.000 mm, riêng năm 2011 tới 8.660 mm, cao gấp 5,4 lần so với nơi mưa ít nhất nhì cả nước là La Gi (Bình Thuận), chỉ 1.600 mm. Trung tâm mưa lớn thứ hai chịu ảnh hưởng của dãy Trường Sơn, trung bình năm hơn 3.400 mm, cá biệt năm 1990 tới 5.080 mm, năm 1999 là 5.900 mm.
Lý giải vì sao Thừa Thiên Huế mưa nhiều, ông Hùng cho rằng do vị trí địa lý, địa hình và khí hậu. Thừa Thiên Huế chịu ảnh hưởng của khí hậu chuyển tiếp giữa miền Bắc và miền Nam, dãy núi Bạch Mã là ranh giới khí hậu tự nhiên giữa hai miền. "Chính sự hội tụ của không khí lạnh từ phía Bắc tràn xuống và không khí nóng ẩm từ phía Nam di chuyển lên đã gây ra mưa lớn", ông Hùng nói.
Ngoài ra, hàng năm Thừa Thiên Huế luôn có sự xuất hiện của các hình thái thời tiết như bão, áp thấp nhiệt đới; không khí lạnh và không khí lạnh tăng cường; dải hội tụ nhiệt đới; nhiễu động trong đới gió Đông trên cao... Nếu có sự kết hợp của hai hay nhiều hình thái trên tại một thời điểm thì sẽ gây ra những đợt mưa rất to.
Một chuyên gia về địa lý bổ sung rằng Thừa Thiên Huế mưa nhiều bởi tác dụng chắn gió mùa Đông Bắc và Tây Nam của các dãy núi phía tây và phía nam. Khác với các tỉnh miền Trung, phía tây của Thừa Thiên Huế có dãy Trường Sơn với nhiều núi cao. Phía nam lại có dãy Bạch Mã, đèo Hải Vân chạy dọc ra biển. Khi gió mùa đông bắc thổi từ biển vào mang theo hơi nước gặp núi cao sẽ tĩnh lại phía đông Trường Sơn và bắc đèo Hải Vân gây mưa lớn.
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, cho rằng mưa lớn kéo dài và thủy triều cao là nguyên nhân chính gây ra nhiều trận lũ lụt ở địa phương. Người Huế không thể quên trận lũ lịch sử năm 1999 do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc và áp thấp nhiệt đới ở phía nam. 352 người đã chết, 21 người mất tích, 99 người bị thương. Số nhà bị đổ, bị cuốn trôi là 25.015.
Từ năm 1977 đến 2009, trên sông Hương trung bình hàng năm có 3,5 trận lũ lớn hơn hoặc bằng báo động hai, năm nhiều nhất có 8 trận, trong đó 36% là lũ lớn và đặc biệt lớn. Những năm có hiện tượng La Nina, số đợt lũ và đỉnh lũ lớn hơn rõ rệt. Mỗi cơn lũ kéo dài 3-5 ngày, dài nhất 7 ngày.
Sử sách ghi trận lũ năm 1811 làm Hoàng cung Huế ngập 3,36 m, phá vỡ cửa Tư Dung ở huyện Phú Lộc. Các trận lũ hai năm 1841-1842 làm hơn 700 ngôi nhà bị sập đổ, lăng Minh Mạng hư hại, người chết rất nhiều. Nhiều trận lũ các năm 1848 và 1856 phá hủy hơn 1.000 ngôi nhà ở Huế, 2/3 Ngọ Môn bị sụp đổ.
Ông Phan Thanh Hùng cho rằng mưa nhiều gây lũ lụt, thiệt hại về người và của, nhưng cũng mang phù sa từ thượng nguồn về bồi đắp cho đồng ruộng, bãi bồi ven sông. Trong khi miền Trung và Tây Nguyên rất hay hạn hán, những cánh đồng lúa, hoa màu ở vùng hạ du của tỉnh hiếm khi khô hạn. Nguồn nước sinh hoạt của người dân cũng được đảm bảo.
Nước lũ từ thượng nguồn đổ về hạ du thường cuốn theo sâu bọ, chuột đồng. Năm nào có lũ, vụ lúa, cây ăn trái sang năm lại được mùa. Vì vậy, việc thích ứng với mùa mưa kéo dài, khai thác tài nguyên nước thế nào luôn là bài toán đặt ra cho chính quyền và người dân Thừa Thiên Huế.
Võ Thạnh