- Hôm nay có mang sổ hộ khẩu đi không?
- Không mang. - Hứa Bân đáp rất rõ ràng.
- Không mang thì anh còn tới làm gì?
- Em thực sự muốn ly hôn à, đừng quậy nữa được không! Em tưởng ly hôn vui lắm à!
- Tôi không quậy, tôi rất nghiêm túc, yêu cầu anh nghiêm túc một chút!
- Anh cũng rất nghiêm túc nói với em rằng, anh không muốn ly hôn.
Hai người lại đứng trong gió rét cãi nhau, cuối cùng Hứa Bân đề nghị hai người nói chuyện với nhau thật thẳng thắn. Ngồi trong một quán trà ấm áp như mùa xuân, đưa mắt sang bên là một đôi tình nhân đang thân mật ôm nhau, còn Hy Lôi và Hứa Bân thì như hai người xa lạ.
- Nói cái gì? Nói đi!
- Anh không muốn ly hôn.
- Vì sao?
Hứa Bân cúi thấp đầu nói:
- Bố mẹ anh đều nói, ly hôn mất mặt lắm.
Hy Lôi cười lạnh một tiếng:
- Bố mẹ anh nói thế, còn anh thì sao?
- Anh cũng thấy rất mất mặt.
- Tới nước này rồi mà còn lo đến thể diện của mình, đúng, đúng là rất mất mặt, nhưng vì thể diện của mình mà chúng ta phải sống dày vò nhau trong đau khổ như thế sao? Tôi vẫn phải ngậm cười mà sống một cuộc sống nhục nhã với anh sao?
- Có nghiêm trọng vậy không?
- Đến giờ anh còn không biết vấn đề của chúng ta xuất phát từ đâu sao?
Hứa Bân lại bực bội xua tay:
- Được rồi, được rồi, bây giờ không cần nói vấn đề của chúng ta là ở đâu nữa, đều là lỗi của anh, coi như anh sai, được chưa! Bây giờ chúng ta nghĩ về cuộc sống sau khi ly hôn đi. Em nhìn xa một chút xem, những người đàn bà đã ly hôn, có người nào sau đó tìm được một người chồng tốt hơn người chồng trước? Nếu không phải ông già thì cũng là dạng tàn phế, tóm lại là có vấn đề, nói không chừng còn kiếm được một ông chồng đã từng ly hôn và phải nuôi con, chẳng nhẽ em muốn làm mẹ kế cho người ta sao?
- Cái gì? Tôi tìm ông già, tôi tìm được một kẻ tàn phế, tôi làm mẹ kế của người ta, được lắm! Cho dù phải làm mẹ kế cho người ta thì cũng còn hơn là kiếm cho mình một bà mẹ chồng không phải mẹ kế nhưng còn hơn cả mẹ kế! Cho dù tìm được một ông già thì cũng còn hơn loại đàn ông vì ngu muội, mù quáng mà đánh vợ mình như anh! Anh cũng nhìn lại đi, những người đàn bà sống tốt sau ly hôn nhiều lắm, Vương Phi biết không, sau mối tình chị em với Tạ Đình Phong thì lại cưới Lý Á Bằng, vẫn sống tốt đấy thôi.
- Được, được, được, anh không nói với em nữa, anh nói không lại em. Vô lý.
- Không thể nào trò chuyện được! Sớm biết nhà anh như thế thì tôi đã không vội vàng cưới anh rồi.
- Tóm lại bây giờ anh không muốn ly hôn, nếu không thì chờ anh suy nghĩ lại đã rồi cho em đáp án sau! Dù sao em cảm thấy kết hôn vội vã quá thì giờ ly hôn cũng không thể vội vã được!
- Hồi đó đầu tôi có vấn đề, bây giờ tôi giác ngộ rồi, không được sao?
Hai người lại xảy ra chiến tranh bằng miệng, nếu không phải vì ở chỗ đông người, có lẽ Hứa Bân đã giang tay ra tát vợ rồi. Hy Lôi cảm thấy nói tiếp thật là lãng phí nước bọt, bèn bỏ đi. Hứa Bân cũng chạy đuổi theo.
Đứng chờ xe ở cửa, một lúc lâu sau, Hứa Bân bỗng dưng ngập ngừng, một lúc lâu sau mới ấp úng nói:
- Vậy anh bàn với em một chuyện, bây giờ em với mẹ anh thành ra thế này rồi, em cũng giận mẹ rồi, đương nhiên cũng không cần đồ của bà ấy nữa, đúng không? Cái vòng đó, trả cho mẹ được không!
Hy Lôi lúc này mới để ý tới cái vòng ngọc trên tay mình, đây là một cái vòng ngọc của Tân Cương rất đẹp, chất ngọc trắng và trong, không có chút tạp chất nào, nó là do cậu của Hứa Bân đi Tân Cương công tác mang về, mẹ chồng vẫn để đó không đeo, sau đó Hứa Bân bèn lấy cho Hy Lôi đeo.
Thấy Hứa Bân nói vậy, Hy Lôi gần như không dám tin vào tai mình, đây là người đàn ông đã cùng cô đầu ấp tay gối suốt gần 2 năm trời sao? Một người đàn ông nhỏ mọn, hẹp hòi đến như thế? Cô cố nén cảm giác phẫn nộ và bi ai trong lòng, hỏi ngược lại:
- Ôi trời! Vừa nãy còn nói là không muốn bỏ tôi, bây giờ bắt đầu đòi lại vật định tình để giảm mức độ tổn thất đến mức thấp nhất đấy à!
Hứa Bân hạ thấp giọng, cảm thấy vô cùng xấu hổ:
- Em đừng có miệng lưỡi độc ác như thế được không, không phải anh, là mẹ anh, mẹ anh...
- Hừ, tôi biết rồi, mẹ anh bắt anh đòi chứ gì, tôi nghĩ anh chắc cũng không đến mức tính toán món đồ này vào lúc ly hôn. Là mẹ anh, mẹ anh. - Hy Lôi vừa nói vừa tháo chiếc vòng ra, trịnh trọng đặt vào tay Hứa Bân. - Cầm lấy, cầm lấy, cầm về đưa cho mẹ anh, con trai ngoan.
Hứa Bân nói là để suy nghĩ, lại suy nghĩ mất thêm một tuần, khi Hy Lôi gọi điện hẹn anh ta đi làm thủ tục, anh ta kiếm đủ cớ để từ chối. Hy Lôi vừa buồn vừa bực mình, lại tìm Mai Lạc tố khổ, lập tức bị Mai Lạc mắng cho một trận:
- Cậu ngốc thế, anh ta không chịu ly hôn thì cứ mất thời gian thế à, không ly hôn thì sẽ có cách của không ly hôn.
- Nghĩa là sao?
- Anh ta không chịu ly hôn thì cậu ra điều kiện với anh ta, chỉ cần anh ta đồng ý thì không ly hôn nữa.
- Xì, tớ giờ không tin anh ta nữa rồi, cho nên chẳng ra điều kiện gì với anh ta cả, cậu còn không hiểu sao, không muốn ly hôn mà còn muốn ra điều kiện với tớ cơ, đó là bắt tớ xin lỗi mẹ anh ta! Nực cười!
- Óc anh ta bị chó gặm rồi à, giờ lại còn không muốn ly hôn, đồ huênh hoang! Nhưng Hy Lôi này, cậu nói thật lòng đi, cậu suy nghĩ kỹ rồi chứ?
- Nghĩ kỹ rồi, thực sự không có cách nào để sống tiếp như thế nữa. Haiz, anh ta cứ kéo dài thế này, bực chết mất.
Hy Lôi đang nói chuyện với Mai Lạc thì bà lão bước vào, chuyện Hy Lôi ly hôn có lẽ bà lão cũng đã nghe nói, không nhịn được bèn chen vào một câu:
- Đàn ông thành phố mà cũng đánh vợ à? Tôi thấy vợ chồng đánh nhau phút trước, phút sau lại hòa, đừng nghiêm túc như thế, đàn bà mà ly hôn rồi, sống một mình khó khăn lắm!
- Bây giờ là thời đại nào rồi, có phải xã hội phong kiến nữa đâu, cháu có cần anh ta nuôi đâu, có gì mà khó khăn?
Bà lão cười:
- Cô không hiểu đâu, nước bọt của người khác sẽ làm cô chết chìm đấy.
- Nước bọt làm họ chết chìm trước thì có, mọi người bàn tán gì thì kệ họ, một thời gian sau là bình thường.
Mai Lạc chê mẹ chồng lắm lời, bèn giục bà:
- Mẹ, cứ để bình sữa ở đó là được rồi. Mẹ không hiểu thì đừng nói nhiều.
Bà lão thấy thế thì chuẩn bị ra ngoài, trước khi ra còn nói:
- Sao mà tôi không hiểu. Cô cứ sinh cho họ một đứa con là xong hết.
Một lời bà lão nói đúng ngay vấn đề, nhưng Hy Lôi đã chẳng còn tâm trạng nào mà nghĩ ai đúng ai sai nữa rồi, chỉ muốn nhanh chóng kết thúc, sớm thoát khỏi cơn ác mộng này. Cô ngẩng đầu lên:
- Cậu nói xem, có cách nào để anh ta đồng ý ly hôn không?
- Anh ta bây giờ không đồng ý thì xin làm thủ tục ly hôn tố tụng, như thế chắc sẽ nhanh hơn, để tòa án quyết định.
- Đúng thế, sao tớ không nghĩ ra nhỉ?
Có chiêu mách nước của Mai Lạc, tâm trạng Hy Lôi tốt hơn rất nhiều.
Buổi tối, cô nhận được một cú điện thoại lạ, hóa ra là Châu Cường đã lâu không liên lạc. Anh tới thành phố A công tác, muốn gặp Hy Lôi.
Nhận được lời mời của Châu Cường, giây phút đó, cảm giác muốn được gặp anh ngay lập tức thật mãnh liệt, chỉ hận là không thể mọc cánh bay tới bên cạnh anh, nói cho anh biết nỗi đau khổ bao ngày nay, sau đó nghe anh dịu dàng an ủi, nhưng lý trí nói với Hy Lôi rằng, không thể làm như thế, giờ cô đang muốn ly hôn, Hứa Bân lại cứ bám lấy không tha, cô không muốn bất cứ hành vi nào của mình để lộ sai sót khiến cho cuộc hôn nhân này không thể thuận lợi kết thúc. Cô nói:
- Tớ giờ không tiện lắm, gần đây công việc cũng bận lắm, để lần sau đi! - Trong lòng cô lại cảm thấy bất nhẫn.
Châu Cường hơi thất vọng:
- Thế thì để lần sau vậy!
Vừa cúp điện thoại xong thì Hứa Bân gọi tới, giọng điệu có vẻ chất vấn:
- Vừa nãy nói chuyện điện thoại với ai mà lâu thế? Tôi gọi mấy lần đều báo bận!
Hy Lôi lạnh nhạt:
- Nói chuyện với ai thì liên quan gì tới anh? Xin anh đừng hỏi tôi bằng giọng điệu chất vất như thế.
- Hai đứa mình vẫn chưa ly hôn, cô vẫn là vợ tôi, sao lại không liên quan?
- Nói đi, tìm tôi có việc gì?
- Tôi nói cho cô biết, tuần sau tôi đi công tác, chuyện của chúng ta để khi tôi về rồi tính. - Sau đó anh ta chẳng để cô kịp nói gì, cúp ngay điện thoại.
Lại là một tuần dài dằng dặc, khi chờ được Hứa Bân về đã là sang năm mới, các cơ quan đều đua nhau nghỉ tết, hương vị tết đã tràn ngập khắp các phố phường, mọi người ai cũng bận rộn đi mua quà tết, chẳng ai còn tâm trí đâu để chú ý tới những người đau lòng xung quanh.
Được rồi, ngày tết truyền thống, đáng chúc mừng nhất của người Trung Quốc cứ để nó yên bình trôi qua, chuyện ly hôn để qua tết rồi tính.
Lại một lần nữa Hy Lôi thỏa hiệp với Hứa Bân. Đương nhiên, ai đón tết ở nhà người đó. Trên đoạn đường một mình đi về nhà, lần đầu tiên cảm thấy con đường đó sao quá dài, lần đầu tiên thấy nỗi nhớ quê hương cồn cào đến vậy, lần đầu tiên khát khao được nhào vào lòng mẹ mà khóc thật to như một đứa trẻ.
Giả Hiếu
Còn tiếp...
(Trích tiểu thuyết Sống chung với mẹ chồng của tác giả Giả Hiếu, do NXB Văn học ấn hành)
Đọc: Tiểu thuyết cùng chủ đề Hôn nhân Gia đình |
* Khi lấy chàng |
* Mẹ chồng ăn thịt cả nhà nàng dâu |
* Sống chung với mẹ chồng |