Gần 2 tuần qua, Vn-Index tăng điểm liên tiếp với thanh khoản nới rộng khiến giao dịch các nhà đầu tư trên sàn vô cùng nhộn nhịp. Anh Nguyễn Ngọc Long, nhà đầu tư bám sàn lâu năm chia sẻ: “Đợt sóng vừa qua cũng giúp tôi kiếm được kha khá. Tùy từng mã mà lãi ít hay nhiều, nhưng thấp nhất cũng phải 25%”. Trong danh mục đầu tư của anh Long có cả cổ phiếu thuộc diện lướt sóng ngắn hạn và cả những mã cơ bản tốt, trong đó anh đặc biệt tâm đắc với một mã ngành thép trên sàn TP HCM.

Năm nay Vn-Index có sự khởi đầu thuận lợi hơn với phiên tăng 1,12%, lên 418,35 điểm vào ngày 2/1. Cộng thêm hàng loạt dự báo tích cực từ các chuyên gia, nhiều nhà đầu từ đã dần lấy lại niềm tin và hòa mình vào thị trường. Cùng với đợt sóng từ sàn TP HCM, sàn Hà Nội cũng hưởng ứng đà tăng và lên sát mốc 64 điểm. Kể từ cuối tuần trước (20/5), HNX-Index đã cho thấy dấu hiệu tăng điểm đều đặn khiến dân lướt sóng hầu như ai nấy cũng sốt ruột “gom hàng”.
Anh Trần Quốc Đạt, chuyên viên môi giới tại một công ty chứng khoán thuộc top 10 thị phần cho biết: “Mấy hôm nay, sáng nào cũng có rất nhiều nhà đầu tư gọi điện hỏi xin tư vấn nên mua cổ phiếu nào, hay giữ lại mã nào để bảo đảm ‘ăn’ đủ sóng. Ai cũng sốt ruột muốn mua cổ phiếu nhưng chủ yếu là những mã lướt sóng, mang tính ngắn hạn”.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Phạm Cao Đức – Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định thị trường đang phản ánh tích cực về vĩ mô, hơn nữa các nhà đầu tư cũng đang hưng phấn với các đợt sóng trong ngắn hạn.
“Việc nhiều doanh nghiệp trả cổ tức cũng làm nhà đầu tư hưng phấn và tin rằng các công ty vẫn ‘sống khỏe’ trong bão, dòng tiền cũng tương đối tốt và có khả năng phát triển trong thời gian tới để chiếm thị phần”, ông Đức nói.
Trong 6 tháng đầu năm, kết quả kinh doanh của các công ty hầu hết lạc quan hơn so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt những đơn vị trả được cổ tức đều có lợi thế như giá vật liệu đầu vào giảm, tỷ giá ổn định, cộng thêm lợi nhuận biên tăng. Theo ông Đức, yếu tố quan trọng nhất là lãi suất ngân hàng giảm nên dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán mạnh mẽ hơn.
Đợt sóng vừa qua chủ yếu là do khối nội tác động, các nhà đầu tư nước ngoài lại đang có dấu hiệu co cụm, nắm giữ cổ phiếu chứ không bán nên nguồn cung cũng thu hẹp, thể hiện qua việc room một số mã blue-chip không còn nhiều.
Cũng chung quan điểm này, ông Tống Minh Tuấn – Trưởng bộ phận Phân tích tại Chứng khoán Vietcombank nhận định thanh khoản và tín hiệu vĩ mô của kinh tế Việt Nam đang tương đối tốt trở lại. “Đặc biệt do hiệu ứng ‘tiền rẻ’ vì lãi suất thấp, nhiều người cũng quan tâm tích cực đến thị trường chứng khoán hơn. Đà tăng mới chỉ là sóng đầu cơ nhưng có thể nó sẽ còn tăng dài”, ông Tuấn cho biết.
Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng nhà đầu tư nên thận trọng và cảnh giác đối với những rủi ro có thể xảy ra khi thị trường tăng nóng. Các chỉ số chứng khoán lên quá nhanh sẽ dẫn đến nguy cơ điều chỉnh giảm, chưa kể là rủi ro chính sách cũng có thể gây bất lợi lên thị trường.
Mới đây, nhiều chuyên gia chứng khoán cũng đưa ra những nhận định rất lạc quan khi dự báo Vn-Index còn có thể tăng lên 530 điểm vào quý III. Mở cửa phiên sáng 29/5, Vn-Index tiếp tục tăng 1,58 điểm, lên 517,91 điểm. Từ giữa phiên trở đi, chỉ số này có dấu hiệu hạ nhiệt.
Trước đó, từ phiên ngày 20/5, chỉ số chứng khoán của cả 2 sàn đều có nhiều dấu hiệu tích cực. Vn-Index bật mạnh, có phiên tăng tới 12 điểm và hầu hết duy trì trên ngưỡng 500 điểm. Đi cùng với đó là trị giá giao dịch cả nghìn tỷ đồng trở lên.
Tường Vi