Giữa quý II, trị giá mua ròng của khối ngoại trên hai sàn chứng khoán lên tới 5.860 tỷ đồng, cao gấp 14 lần so với cả sáu tháng đầu năm ngoái cộng lại, theo số liệu của VNDirect. Năm nay, các nhà đầu tư nước ngoài mạnh tay mua ròng trên HOSE hơn 5.212 tỷ đồng. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm ngoái, xu thế bán ròng lại chiếm ưu thế ở sàn TP HCM với trị giá lên tới trên 575 tỷ đồng.
VIC là mã được các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm và mua ròng liên tục, trị giá cao nhất với 1.666 tỷ đồng. Một số mã còn lại cũng vào tầm ngắm khối ngoại chủ yếu thuộc nhóm sản xuất, trong đó có MSN, DPM, HPG với giá trị từ 500 tỷ đến hơn 1.500 tỷ đồng. Trong khi đó, cổ phiếu ngân hàng, tài chính lại chiếm xu thế bán ròng trong quý I, II/2012, dẫn đầu là CTG với trên 646 tỷ đồng.

Trong quý I, II vừa qua, thị trường chứng khoán cũng đón nhận một số điểm sáng tương đối tích cực khi lãi suất huy động giảm còn 6%. Hàng loạt công ty chứng khoán cũng rục rịch hạ lãi suất cho vay giao dịch ký quỹ (margin) giúp tăng động lực kéo dòng tiền trở lại với chứng khoán.
Trước đó, CPI cả nước tháng 4 tăng nhẹ 0,02% sau khi âm trong tháng 3. GDP quý I cũng đạt 4,89%. Mới đây, quyết định ra đời chính thức của VAMC cùng gói cứu trợ 30.000 tỷ đồng cho thị trường bất động sản và việc hoãn thi hành Thông tư 02 được giới đầu tư kỳ vọng là cú hích để thúc đẩy tăng trưởng.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Phan Dũng Khánh - Trưởng phòng Tư vấn Đầu tư thuộc Công ty Chứng khoán MayBank Kim Eng (MBKE) cho rằng trong quý III hoặc chậm nhất quý IV, Vn-Index có thể đạt mốc 530-550 điểm.
"Tôi nghĩ thị trường sẽ không xuống nữa mà chỉ đi ngang, hoặc tiến lên, nhưng với tốc độ chậm và còn thăm dò từ nhiều phía. Độ thấm nhanh hay mau của thị trường đối với các chính sách vĩ mô sẽ còn phụ thuộc vào sự quyết tâm của cơ quan quản lý, cách điều hành và cả sự đón nhận của các doanh nghiệp", ông Khánh nói.
Cũng theo ông Khánh, hiện thời dòng tiền vẫn có xu thế đổ vào thị trường và không có dấu hiệu rút ra. Động lực này chủ yếu đến từ khối ngoại và một phần tiền từ các kênh đầu tư khác người dân đổ sang.
Trong quý III, những cổ phiếu blue-chip vẫn sẽ là tâm điểm của giới đầu tư. Tuy nhiên, tiềm năng tăng trưởng tập trung chính vào một số ngành từng bị thất sủng như bất động sản, tài chính ngân hàng hoặc vận tải, năng lượng. Những lĩnh vực từng mạnh trong thời gian qua như thực phẩm, tiêu dùng… vẫn được chú ý nhưng mức tăng không còn dồi dào, ông Khánh nói thêm.
"Các nhà đầu tư vẫn cần tránh lướt sóng quá ngắn cho dù thị trường tốt, nếu không sẽ dễ bị mất 'hàng' và khó mua trở lại, thậm chí phải trả giá cao hơn giá bán mới mong mua lai được”, ông Khánh khuyến nghị.
Về xu thế khối ngoại, ông Tuấn Minh Tuấn, Trưởng bộ phận Phân tích tại Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhấn mạnh thiên hướng cắt giảm đầu tư lướt sóng. "Đợt sóng vừa qua cho thấy những cổ phiếu đầu cơ cũng không còn mang lại hiệu quả. Thêm nữa kết quả kinh doanh của nhóm blue-chip trong VN30 cũng cho thấy dấu hiệu lạc quan, trong khi những mã lướt sóng hiện còn nhiều khó khăn, có trường hợp buộc phải sáp nhập do làm ăn quá kém. Bởi vậy, sang quý III, dòng tiền có thiên hướng về blue-chip nhiều hơn", ông Tuấn phân tích.
Theo ông Tuấn, hiện kinh tế vĩ mô có dấu hiệu tốt và ổn định hơn so với hồi đầu năm. Các nỗ lực của Chính phủ như giải pháp 30.000 tỷ, kế hoạch VAMC cũng cho thấy tác động rất rõ ràng. Khó khăn cơ bản nhất vẫn là sức cầu yếu, ông Tuấn nói.
"Quan trọng nhất là GDP quý II, nếu nằm ở mức 5,2-5,3% thì sẽ tốt cho thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, trường hợp kết quả này không như mong đợi thì trạng thái của thị trường cũng tương đối gay go do vẫn chưa thoát cảnh lực cầu yếu", ông Tuấn nhận định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Đức - Giám đốc Nghiên cứu và Phân tích Kinh tế - Công ty Quản lý quỹ đầu tư Sài Gòn Hà Nội (SHF) nhìn nhận thị trường chứng khoán vẫn bị kẹt giữa nhiều vấn đề. Nếu nói về kinh tế, hiện thị trường ở cuối chu kỳ khủng hoảng, thực tế là rất xấu và hầu như ai cũng tỏ. Nhưng vì thực tế xấu nên nhiều người mới kỳ vọng vào các chính sách nới lỏng, ông Đức nói.
"Trước đây phần lớn mục tiêu chỉ tập trung để kiềm chế lạm phát, thắt chặt tín dụng. Nhưng những biện pháp này lại khiến kinh tế bị trì trệ khá lâu. Ngay cả những người từng ủng hộ kế hoạch kiềm chế lạm phát nay cũng phải đề xuất nới lỏng. Nhờ vậy, tôi cho rằng kênh chứng khoán sẽ được củng cố và còn tăng cho đến hết năm 2014", ông Đức phân tích.
Ngoài ra, ông Đức cũng nhấn mạnh, Vn-Index dao động trong ngưỡng 460-500 điểm là hợp lý để các nhà đầu tư dài hạn mua cổ phiếu. Cuối quý II, khối tự doanh đang có xu hướng mua trở lại. Sang quý III, ông Đức kỳ vọng lượng tiền giải ngân vào chứng khoán sẽ mạnh mẽ hơn nhờ lãi suất tiết kiệm giảm chỉ còn 6-7%.
Với chính sách 30.000 tỷ đồng giải cứu bất động sản, theo ông Đức, các cổ phiếu địa ốc được nhận ảnh hưởng tốt. "Một số mã thuộc ngành công nghiệp tôi rất chú ý nhưng cũng phải chọn lọc rất kỹ. Ví dụ những cổ phiếu của doanh nghiệp mắc quá nhiều sai lầm trong chiến lược hoạt động, hoặc vay nợ quá lớn và khó phục hồi thì độ cạnh tranh cũng kém", ông Đức chia sẻ.
Tường Vi