Mười tháng trước, chủ nhà tôi đang thuê quyết định bán nhà. Người mua lại căn nhà ấy rất hung hăng, không cho tôi thêm thời gian mặc dù tôi đã gửi tiền thuê cho hai tháng tới. Tôi hoảng loạn, cố gắng nhanh nhất có thể tìm một mái ấm mới cho hai con mèo, mấy chậu cây xanh, mà giá phải thấp vì không có nhiều tiền. Cuối cùng, tôi vừa mất hai tháng tiền nhà, vừa mất thêm khoản tiền cọc cho nhà thuê mới, dọn đến một căn nhà xa xôi vùng ven. Nhưng cộng đồng ở đây không tốt như hàng xóm cũ, họ xả rác ngoài đường rất nhiều, rất thù địch với tôi mặc dù tôi đã cố gắng kết bạn với họ.
Cho đến một hôm tôi nhận được tin nhắn từ công ty điện lực. Tài khoản của tôi bị trừ ba triệu đồng từ nhà thuê cũ, mặc dù tôi đã chuyển đi cả năm rồi. Tôi gọi cho người mua căn nhà cũ ấy xem họ có hay biết gì không. Ông bảo "biết chứ", và sẽ trả lại ba triệu đó. Tôi kiểm tra lại lịch sử thanh toán, hoá ra tháng nào tài khoản của tôi cũng bị trừ tiền điện cho căn nhà nay đã là của ông ta. Tổng cộng tôi bị trừ tám triệu đồng tiền điện. Tôi gọi lại để báo thì ông ta hung hăng: "Tôi không trả cho bạn đâu nhé, tôi chỉ nói trả ba triệu, đừng có mà được voi đòi tiên".
Tôi không vui một tí nào. Nhưng may thay, tôi có một cộng đồng. Những hàng xóm cũ vẫn liên lạc qua nhóm riêng trên mạng, gồm 30 thành viên các gia đình của khu phố. Tôi tâm sự với họ về vấn đề đang gặp, cho họ xem những hoá đơn tôi đã trả. Một người đồng cảm: "Jesse cẩn thận nhé, ông không phải dạng vừa đâu". Họ ủng hộ và đồng ý sẽ cùng đến nhà ông ấy để nói chuyện. Tôi cũng không tin lắm, vì nghĩ chẳng ai muốn dính dáng tới một vụ vớ vẩn với ông già gắt gỏng như thế.
Mười mấy người cùng tổ trưởng đi với tôi đến bấm chuông xin nói nói chuyện với ông ta. Ông chủ nhà mở cổng, mặt rất cảnh giác. Chúng tôi ngồi xuống. Tôi đưa ra những hoá đơn ngân hàng làm bằng chứng, rằng đó là tiền điện ông đã sử dụng. Ông ta không muốn trả, sau đó kéo đoạn hội thoại lan man gần hai tiếng đồng hồ. Một trong những hàng xóm kéo tôi ra ngoài để nhắc khéo, chỉ cho tôi cách ứng phó. Ông già, sau áp lực từ các hàng xóm, cũng chấp nhận trả tiền nhưng muốn chia đôi.
Một chị đã dũng cảm nói rất nhanh và nghiêm khắc: "Tiền điện anh xài không liên quan đến Jesse. Tại sao phải chia đôi?". Ông ta mất hết oai khí ban đầu, đồng ý trả sáu triệu đồng. Tôi vui quá, dành một ít ra mời hàng xóm đi nhậu. Hôm đó gần 25 người đến, một người còn bảo đây là lần đầu tiên bọn họ có mặt đông đủ từ sau khi tôi chuyển đi làm tôi vô cùng xúc động. Mọi người ngồi ăn uống nói chuyện vui vẻ với nhau.
Có bao giờ bạn hỏi: Đức hạnh là gì? Đó là đạo đức và tính nết tốt của con người. Đặc biệt trong tôn giáo, từ Phật giáo, Kito giáo, Hồi giáo, cho đến bộ nguyên tắc ngầm của hiệp sĩ châu Âu và võ sĩ đạo Nhật Bản đều lấy đức hạnh làm đích đến. Nó là điều quan trọng từng đưa con người ra khỏi hang động tiền sử, hợp tác với nhau thành những nhóm thật lớn.
Từ xa xưa, nhà hiền triết Aristotle đã dạy rằng, đức hạnh đến từ kinh nghiệm của bản thân, chúng ta đúc kết và dần dần phát triển nó qua những bài học từ người đi trước. Bố tôi mỗi khi bắt đầu giao cho tôi một công việc cực kỳ khó khăn, như đốn củi cho cả mùa đông lạnh dã man ở Canada hay cọ rửa toàn bộ chuồng ngựa, thường nói: "Một công việc rất tuy khó, nhưng nó xây dựng tính cách của con". Cũng có nhiều bạn lấy làm tiếc khi cha mẹ đã không dạy tôi phấn đấu tích luỹ thật nhiều điểm số, tiền bạc để bon chen với cuộc đời. Thỉnh thoảng tôi cũng trăn trở về điều đó, nhưng tôi vẫn rất cảm kích bố mẹ đã cho tôi đức hạnh. Những khi gian nan nhất, đối mặt với sự bất công, độc tài của cấp trên khi còn trong quân đội, hay trong nhiều công việc, tôi vẫn chọn nói thật dù sau đó bị đối xử rất tệ.
Tôi nhận ra trong xã hội ngay nay, chúng ta dường như không có đủ thời gian để tập trung giáo dục giới trẻ về đức hạnh, hay ít nhất nó không phải là ưu tiên hàng đầu. Thời đại này, chúng ta chỉ tập trung lượm nhặt những con số vô hồn. Từ bé, mình phải biết cố gắng sao cho đạt điểm cao nhất có thể. Trẻ em đi học được khuyến khích tập trung duy nhất vào điểm số, "hôm nay con được mấy điểm?". Lớn lên, đi làm, chúng tập trung vào con số khác là tiền bạc, "lương mỗi tháng bao nhiêu?". Rồi có người cố mua sắm thật nhiều thứ đắt tiền không cần thiết cũng là vì mong muốn "điểm" của mình sẽ cao lên trong mắt người khác.
Và trong cuộc bon chen giành hàng hóa, nhu yếu phẩm trong dịch bệnh, liệu có bao nhiêu người đã phân tích lý tính, bao nhiêu người thực sự lo lắng đến mức không còn biết làm cách nào khác, còn bao nhiêu người cũng không nghĩ gì nhiều, chỉ đang... sợ thiệt hơn người khác?
Trong triết học, nếu ta cứ đuổi theo những con số thì đức hạnh sẽ bị bỏ quên, đặc biệt là khi một số người ăn gian, tham nhũng để giành lấy "điểm" nhanh hơn so với con đường công bằng, liêm khiết. Và chúng ta lại không đủ đức hạnh để luôn kiểm soát được việc xấu này. Tôi lo con người bị quá tập trung vào những thứ vô nghĩa mà quên đi những đức hạnh cần có như sự trung thực, lòng chính trực, sự can trường, tính cần cù, sự kiên nhẫn... Không có các phẩm chất ấy, con người khó mà tin tưởng để đi với nhau trên đường dài.
Hôm nọ, tôi nhận được tin nhắn từ những hàng xóm cũ: "Jesse ơi, về đây tham gia tiệc nhé". Tôi chuyển đi cũng gần một năm rồi, nhưng vẫn luôn nhận được lời mời như vậy mỗi khi xóm cũ có tiệc gì, như thể tôi chưa bao giờ rời đi từ 10 năm trước - khi lần đầu tiên tôi đến sống tại Việt Nam.
Với tôi, mặc dù đã chuyển nhà khá xa, nhưng vẫn còn cơ hội được tham gia với cộng đồng cũ, được nói lời cảm ơn vì những năm tháng họ ủng hộ tôi. Nhờ họ, tôi hiểu được một bài học giá trị: mối quan hệ người với người có thể tốt hoặc xấu đi vì bị ảnh hưởng bởi tiền bạc. Nhưng, tiền chưa phải quý nhất. Tập trung vào các phẩm chất tốt của mình, ngồi lại với người khác, chân tình. Đây mới là điều quan trọng trong cuộc sống của chúng ta.
Jesse Peterson
(Nguyên tác tiếng Việt)