Theo kế hoạch của UBND quận 1, chợ Bến Thành được sơn lại theo hiện trạng như trước, với tông chủ đạo là màu kem cũ (sơn Jotun, mã màu 1154). Kinh phí lấy từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của Ban quản lý chợ và nguồn xã hội hoá.
Sở Văn hoá và Thể thao TP HCM thống nhất sơn lại 4 mặt tiền chợ Bến Thành. Tuy nhiên, do đây là công trình đang nghiên cứu lập hồ sơ xếp hạng di tích nên cơ quan này giao Trung tâm Bảo tồn di tích thành phố hướng dẫn quận 1 và Ban quản lý chợ thực hiện, đảm bảo chất lượng cũng như màu sắc hiện hữu.
Chợ Bến Thành được xây từ năm 1912 đến cuối tháng 3 năm 1914 hoàn tất. Công trình có tổng diện tích khoảng 13.000 m2, giới hạn bởi các trục đường: Phan Bội Châu - Phan Chu Trinh - Lê Thánh Tôn - Công trường Quách Thị Trang. Các ngành hàng kinh doanh chủ yếu ở đây gồm: quần áo, vải sợi, giày dép, thời trang, hàng thủ công mỹ nghệ... Đây là một trong những công trình biểu tượng của TP HCM, thu hút nhiều người dân, du khách đến mỗi ngày. Chợ từng được cải tạo, sửa chữa giữa năm 1985.
Đầu năm ngoái, Công ty TA Landscape đề xuất cải tạo chợ Bến Thành với phương án lợp lại phần mái chợ bằng ngói cách nhiệt, thay thế lớp tôn giả ngói cũ đã xuống cấp; thiết kế lại các cửa thông gió đảm bảo thông thoáng cho không gian phía trong; thay mới gạch lót... Chính quyền thành phố sau đó đã thống nhất chủ trương, song đến nay việc cải tạo chưa được triển khai.
Hiện, phía trước khu chợ là dự án ga Bến Thành của Metro số 1 với quy mô 4 tầng ngầm. Sau khi công trường tuyến metro hoàn trả mặt bằng, quanh nơi này chuẩn bị được cải tạo lại cảnh quan, trong đó đoạn trước chợ được tính toán hình thành quảng trường; bố trí nhiều mảng xanh, ưu tiên giao thông công cộng.
Hạ Giang