Bùng binh Quách Thị Trang được người Pháp xây dựng song song với chợ Bến Thành, do nhà thầu Brossard et Maupin - khởi công xây dựng từ năm 1912 đến tháng 3/1914 thì hoàn tất. Khu vực xây chợ, vốn là một cái ao sình lầy cũ, gọi là ao Bồ Rệt (Marais Boresse), được người Pháp cho lấp đi. Khuôn viên chợ quy hoạch bốn mặt bởi bốn con đường.
Khu vực trước chợ còn gọi quảng trường Eugène Cuniac (Place d’Eugène Cuniac) đặt theo tên thị trưởng người Pháp đầu tiên của thành phố Sài Gòn. Khu đất giữa quảng trường Cuniac trong những năm 1920 là nơi có lễ hội vui chơi buôn bán. Các gánh xiếc giải trí, cải lương, nhạc tài tử, múa, ca nhạc với đánh võ quyền anh đã được tổ chức tại đây. Đến năm 1955, chính quyền Bảo Đại đổi tên thành quảng trường Diên Hồng.
Năm 1964, chính quyền cho đặt tượng nữ sinh Quách Thị Trang, người bị bắn chết khi tham gia phong trào học sinh – sinh viên chống thiết quân luật của chế độ Ngô Đình Diệm. Đến năm 1965, chính quyền đã xây dựng tượng Trần Nguyên Hãn cưỡi ngựa trên một bệ cao, rất uy nghi. Nhằm phục vụ thi công nhà ga metro Bến Thành, cuối năm 2014, tượng đài Trần Nguyên Hãn đã được di dời về bảo quản tại công viên Phú Lâm (quận 6), tượng bán thân Quách Thị Trang đã được chuyển về công viên Bách Tùng Diệp (quận 1).
Mới đây, đơn vị thi công nhà ga trung tâm Bến Thành đã rào chắn trước chợ Bến Thành để phá bỏ vòng xoay Quách Thị Trang. Trong suốt hơn 100 năm tồn tại, bùng binh Quách Thị Trang và chợ Bến Thành như là một biểu tượng được vinh danh trong cuộc sống của người dân Sài Gòn.
Thập niên 1970, khi tình trạng xe cộ qua lại đông đúc, chính quyền thành phố cho dựng hai cầu vượt bằng sắt. Đầu thập niên 1970, hai cầu vượt (xưa gọi là cầu nổi) bằng sắt được dựng lên trước chợ. Cây cầu thứ nhất bắc ngang từ chợ qua tiểu đảo, nơi có tượng Quách Thị Trang và tượng Trần Nguyên Hãn. Cây cầu thứ hai bắc ngang từ trạm xe buýt qua tiểu đảo. Nhưng không bao lâu hai cầu này phải tháo dỡ vì lý do thẩm mỹ và an ninh.
Chợ Bến Thành trước năm 1975, người dân hay gọi là chợ Sài Gòn, cũng có một thời gian được đặt tên là chợ Quách Thị Trang.
Cửa chính của chợ Bến Thành là cửa Nam, rất phù hợp với tiêu chí mở cửa chính trong kiến trúc Việt: Lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng Nam. Trong ảnh là cảnh xe cộ đông đúc ở cửa chính vào năm 1967.
Cửa Bắc chợ là đường D’Espagne (nay là đường Lê Thánh Tôn).
Cửa Tây chợ là đường Schroeder, đến năm 1995 chính quyền đổi lại là đường Phan Chu Trinh cho đến nay. Đối diện cửa Tây là dãy nhà cổ gia đình chú Hỏa xây dựng, có tuổi đời hơn một thế kỷ. Trong ảnh là khu vực này do sĩ quan Mỹ chụp vào năm 1967.
Cửa Đông của chợ là đường Viennot, đến năm 1995 được đổi thành đường Phan Bội Châu. Trong ảnh là Đại lộ Lê Lợi (bên phải) và một góc chợ Bến Thành (bên trái), ở giữa là đường Phan Bội Châu vào năm 1968.
Quanh khu vực chợ và bùng binh Quách Thị Trang cũng có một số di tích lịch sử gắn bó với nhiều thế hệ người dân. Như tòa nhà của Sở hỏa xa Đông Dương, nay là trụ sở Công ty vận tải đường sắt Sài Gòn. Trước năm 1975, nơi đây là Bộ Giao Thông – Bưu Điện. Một thời, khu vực này có đường ray xe lửa về Mỹ Tho và Chợ Lớn. Đến năm 1958, Tổng thống Ngô Đình Diệm cho ngưng tuyến đường sắt Sài Gòn – Mỹ Tho.
Bệnh viện đa khoa Sài Gòn cũng được xây dựng từ năm 1937, ở vị trí ngay bùng binh chợ Bến Thành. Cái tên ban đầu của bệnh viện là Chuẩn Y Viện do người con út dòng họ Hui Bon Hoa xây dựng và hiến tặng thành phố Sài Gòn năm 1937 .
- Vòng xoay trước chợ Bến Thành được phá bỏ để xây ga ngầm metro
- 15 phút biến phố thành chợ đêm Bến Thành
Quỳnh Trần (Tổng hợp tư liệu)