Giá xăng đang ở mức 8.000 đồng/lít. |
Sau 2 tuần giá dầu thô đứng ở mức thấp, các nhà hoạch định chính sách Bộ Tài chính đã nghĩ đến việc áp thuế với mặt hàng này và giữ ở mức ổn định trong một thời gian dài. Tuy nhiên, hôm qua, giá dầu thô trên các thị trường trọng điểm của thế giới đã bất ngờ lên tới 56 USD/thùng và cao nhất trong 7 tuần trở lại đây. Sự lên xuống thất thường của giá thế giới đã phá vỡ kế hoạch áp thuế, dù tất cả các phương án đã được chuẩn bị.
Vụ trưởng Chính sách Thuế Bộ Tài chính Quách Đức Pháp cho rằng, áp thuế là chuyện sớm muộn Nhà nước sẽ phải làm, vấn đề là thời điểm nào thì áp dụng. Theo ông, vấn đề cấp bách nhất hiện nay là, bằng mọi cách các doanh nghiệp phải thực hiện cắt giảm chi phí. Tới đây, Nhà nước sẽ dần tiến tới cơ chế xóa bỏ bao cấp và buông giá theo thị trường.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó cục trưởng Cục quản lý giá Bộ Tài chính cho rằng, về tương lai không xa, giá trong nước cần "hội nhập với giá thế giới" để khắc phục những khiếm khuyết của loại giá bao cấp hiện nay. Tuy nhiên, ông Thỏa còn lo ngại sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, do đó VN cần có bước đi thích hợp để tránh gây hệ quả không tích cực. Bước đi, theo ông Thỏa, sẽ thể hiện ở 3 phương án tùy theo giá dầu vẫn đứng như hiện nay hay tiếp tục tăng cao hoặc giảm thấp.
Trong trường hợp thứ nhất, nếu giá dầu thô tiếp tục vận động trong dải 50-60% USD/thùng thì thuế nhập khẩu giữ nguyên ở mức 0% để ổn định giá xăng dầu đã điều chỉnh ngày 29/3.
Nếu giá thế giới giảm xuống dưới 50 USD/thùng thì vẫn giữ ổn định giá bán hiện hành, nhưng tính toán khôi phục lại mức thuế đối với xăng dầu đến khoảng 15% và chốt ở mức này. Nếu thuế khôi phục đủ, giá vốn còn "dư địa" so với giá bán thì mới tính đến việc giảm giá xăng bán lẻ.
Phương án 3, giá thế giới vượt khỏi ngưỡng 60 USD/thùng, thì có thể thực hiện theo Quyết định 187 của Chính phủ, cho phép doanh nghiệp căn cứ vào giá định hướng mở biên độ không vượt quá đối với xăng các loại +10%, các mặt hàng khác +5%, và dần sẽ để giá xăng dầu trong nước vận động theo cơ chế giá thị trường.
"Hiện chúng tôi đang theo dõi động thái diễn biến trong mùa đông để đưa ra quyết định cuối cùng bởi đây là thời điểm nhu cầu xăng dầu tăng cao", ông Thỏa nói.
Ông Thỏa cho rằng, chính sách bù lỗ của Nhà nước hiện nay đang tạo tâm lý ỷ lại trông chờ bao cấp, không thúc đẩy các ngành sử dụng xăng dầu cạnh tranh trong sản xuất kinh doanh, làm méo mó hệ thống giá của nền kinh tế, tạo "vùng trũng" về lợi ích với các nước xung quanh kích thích buôn lậu khó kiểm soát.
"Trong bối cảnh VN vẫn phụ thuộc 100% vào nguồn nhập khẩu thì sớm muộn gì cũng phải tính đến việc buông giá theo thị trường. Vấn đề là buông đến đâu và thời điểm nào để tránh gây sốc cho nền kinh tế, bởi xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm, nếu vượt khỏi tầm kiểu soát của Nhà nước là có thể gây náo loạn thị trường", ông Thỏa nói.
Vụ trưởng Chính sách thị trường trong nước Bộ Thương mại Hoàng Thọ Xuân cho rằng, thời điểm này còn quá sớm để nói đến việc tăng giá bán lẻ hay thả nổi giá. Xăng dầu là mặt hàng liên quan đến vấn đề an ninh năng lượng quốc gia, mỗi động thái điều chỉnh dù theo hướng nào cũng cần phải được tính toán một cách thận trọng. Theo ông, thời gian qua, chưa buông giá, mới chỉ điều chỉnh giá bán lẻ cũng đủ khiến thị trường bị rối loạn rồi.
Ông Xuân cho rằng, vấn đề lo ngại nhất hiện nay là nguồn dầu khí. Trước đây, đã có dự báo là đến năm 2010-2020 nguồn nhiên liệu này sẽ cạn kiệt. "Đây cũng là vấn đề chung của nhiều nước khi vẫn còn phụ thuộc vào nguồn thế giới chứ không chỉ riêng VN", ông Xuân nói. Tuy nhiên, ông Xuân cũng thừa nhận, trong bối cảnh giá thế giới tiếp tục leo cao hiện nay, việc điều chỉnh dần dần giá bán lẻ lên mức ngang bằng một số nước trong khu vực là có thể tính đến.
Ngay cả trong tình huống khả quan nhất, việc điều chỉnh giá bán cũng có thể được thực hiện vào ngày không xa, bởi nhu cầu năng lượng của thế giới vẫn đang hết sức căng thẳng và diễn biến thất thường. VN vẫn phụ thuộc 100% vào nguồn nhập khẩu. Tuy nhiên, cả ông Thỏa và ông Xuân đều hy vọng, khi Nhà máy Dung Quất đi vào hoạt động, nguồn hàng này sẽ giúp chủ động hơn trong việc hoạch định chính sách và giảm bớt áp lực bởi diễn biến giá thế giới.
Minh Khuyên