Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Cao Bằng cho biết khi xuất hiện mẩn đỏ, bệnh nhân tự uống thuốc chống dị ứng nhưng không bớt, được người nhà đưa vào viện ngày 8/4. Lúc này, người bệnh đã mẩn đỏ toàn thân, mạch nhanh, huyết áp không đo được. Các bác sĩ chẩn đoán sốc phản vệ do ăn thịt ba ba. Bệnh nhân được hồi sức cấp cứu, điều trị tích cực. Hiện tại bệnh nhân qua cơn nguy kịch, da đỡ mẩn đỏ, đỡ ngứa, huyết áp đo được.
Thịt ba ba được xem như món "nhà giàu" bởi giá cao. Đây là món ăn hỗ trợ bổ thận tráng dương, điều hòa kinh nguyệt, đổ mồ hôi trộm... Trong 100 g thịt ba ba chứa khoảng 16,5 g protid, 1,6 g carbonhydrat, 1g lipid, 107 mg calci, 1,4 mg sắt, 3,7 mg acid cotinic, vitamin B1, B2, vitamin A và nhiều chất dinh dưỡng khác. Mai ba ba dùng bồi bổ cho người gầy, lao lực quá độ, nhức xương... Thịt ba ba có tác dụng chữa bệnh lao phổi, khí hư, ốm yếu.
Các bác sĩ cho biết ba ba là loài có tập tính thích ăn thi thể động vật đã chết. Do đó thịt ba ba thường tiềm ẩn nhiều loại vi khuẩn có hại, có nguy cơ gây ra nhiều chứng bệnh nguy hiểm ở người khi chế biến. Nếu ăn phải ba ba chết, chất đạm đã phân hủy, các acid amin chuyển hóa thành chất gây ngộ độc hoặc dị ứng cho người ăn.
Cùng với đó, hàm lượng protein trong thịt ba ba quá cao, khi hấp thu vào cơ thể người có thể gây ra tình trạng khó tiêu, đầy bụng. Ba ba được xếp vào loại thực phẩm dễ gây dị ứng không phù hợp với người có cơ địa dị ứng, mẫn cảm cùng với hải sản, nhộng, thịt bò, trứng, đậu phộng.
Các bác sĩ khuyến cáo người dễ bị dị ứng với hải sản, mẫn cảm với các thành phần trong thịt ba ba có nguy cơ bị dị ứng, sốc phản vệ, không nên ăn thịt ba ba. Trong trường hợp nếu thấy mẩn ngứa, khó chịu khi ăn thực phẩm lạ phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị.