Bác sĩ Nguyễn Thái Anh, Khoa Hồi sức Tim mạch, Bệnh viện TP Thủ Đức, ngày 6/6, cho biết các y bác sĩ trong phòng thông tim đã chia nhiều nhóm để ép tim, cung cấp oxy và sốc điện gần chục lần cho trái tim cụ bà 72 tuổi đập trở lại.
Ê kíp xác định bệnh nhân bị tắc nghẽn toàn bộ động mạch vành bên phải với rất nhiều cục máu đông. Sau khi truyền thuốc vào trực tiếp nơi tắc nghẽn, các bác sĩ nỗ lực hút ra rất nhiều cục máu đông để tái thông dòng chảy. Khi động mạch vành lưu thông trở lại cũng là lúc trái tim bệnh nhân đập lại từng nhịp điều hòa và chắc chắn trong lồng ngực.
Theo bác sĩ Thái Anh, trường hợp này bị nhồi máu cơ tim rất nặng, ngưng tim nhiều lần, tỷ lệ tử vong có thể lên đến gần 80%. May mắn người bệnh đã đến viện sớm, được các bác sĩ cấp cứu chẩn đoán nhanh chóng, chính xác để đưa vào phòng thông tim kịp thời. Ê kíp can thiệp và hồi sức đã phối hợp chủ động kiểm soát tình hình, dù người bệnh ngưng tim.
Ngày 6/6, cụ bà hồi phục khỏe mạnh, được cho xuất viện. "Nhìn vào vết sạm da ở lồng ngực do bác sĩ sốc điện lúc tim ngừng đập, tôi không nghĩ mình còn sống và khỏe mạnh như bây giờ để trở về bên con cháu", bệnh nhân chia sẻ.
Nhồi máu cơ tim cấp là một cấp cứu tim mạch với những biến chứng nguy hiểm, nếu không xử trí kịp thời có thể tử vong nhanh chóng. Bệnh xảy ra do động mạch nuôi dưỡng tim bị tắc ở một nhánh nào đó, khiến vùng cơ tim diễn tiến hoại tử, dễ dẫn đến suy tim, rối loạn nhịp tim, sốc tim, ngừng tim, đột tử do tim. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, biểu hiện thường gặp là đau tức ngực, khó thở, tim loạn nhịp... Theo đó, can thiệp động mạch vành trong những giờ đầu tiên được xem là biện pháp điều trị hàng đầu.
Một số các yếu tố nguy cơ làm tăng sự xuất hiện của mảng xơ vữa dẫn đến nhồi máu cơ tim là hút thuốc lá, tăng huyết áp, thừa cân béo phì, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, ít vận động, tiền căn gia đình có người mắc các bệnh tim mạch sớm (nam dưới 55 tuổi, nữ dưới 65 tuổi). Bác sĩ khuyến cáo người có nhiều yếu tố nguy cơ nên đi tầm soát bệnh lý mạch vành thường xuyên.
Lê Phương